“Ưu tiên” dùng hàng Việt!

(NTO) Có thể nói đến nay, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sức lan tỏa khá rộng và nhiều ngành, địa phương đã cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực. Đối với tỉnh ta, tuy thị trường không lớn, sức tiêu thụ chưa mạnh so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhưng để hưởng ứng Cuộc vận động tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể cho các ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đơn cử như ngành Công Thương có chương trình “Tuần hàng Việt Nam”, “Đưa hàng về nông thôn”… đã thu hút nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh tham gia: Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận…

Ngoài ra, còn vận động các doanh nghiệp như: Trúc Nguyên, Thy Thy, Hưng Phú… ưu tiên dùng hàng hóa có xuất xứ trong nước để trưng bày, mua bán tại cơ sở kinh doanh. Hay ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường sử dụng các loại thuốc sản xuất trong nước để khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động… đã lồng ghép với các đợt sinh hoạt tuyên truyền nội dung, ý nghĩa của Cuộc vận động nói trên… Bằng nhiều hình thức thực hiện sinh động, phong phú, sáng tạo đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức sử dụng hàng sản xuất trong nước của các doanh nghiệp từ thành thị đến nông thôn. Thị phần hàng nội ngày càng được mở rộng.

Tuy nhiên, thực tế phải nhìn nhận rằng, nhìn trên tổng thể thị trường hàng hóa thì hàng nội vẫn còn chiếm vị trí khá “khiêm tốn”, có nơi đã bị hàng ngoại lấn át. Mặt khác, chất lượng, mẫu mã… chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Đó là chưa nói đến các loại vật tư, thiết bị chuyên ngành phục vụ sản xuất… khó có thể cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Yếu tố cũng không kém phần quan trọng cần đặt ra ở đây là việc đưa hàng Việt đến với người dân trên các kênh thông tin còn hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu dùng rất lớn, nhất là các vùng sâu, vùng xa, miền núi… Từ chỗ thiếu thông tin nên việc ủng hộ hàng Việt Nam chưa được mạnh mẽ, tâm lý chuộng hàng ngoại, giá rẻ vẫn còn thuộc về số đông người tiêu dùng trong tỉnh.

Để Cuộc vận động thực sự có sức lan tỏa sâu rộng, yêu cầu đầu tiên là các doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung, trong tỉnh nói riêng cần đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm theo hướng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Mặt khác, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất..

Chung quy lại, để bảo đảm tính “tương tác” giữa người tiêu dùng với việc “ưu tiên” dùng hàng sản xuất trong nước thì các doanh nghiệp hơn bao giờ hết cần chú trọng đến chất lượng, giá thành và quảng bá thương hiệu.