Tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ngành Thông tin và Truyền thông

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) và Chương trình hành động số 202-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT), nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn hội nhập quốc tế...

Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Sở TT&TT có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về TT&TT trên các lĩnh vực: Công nghệ thông tin (CNTT), bưu chính, viễn thông, báo chí, xuất bản; thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở, hạ tầng TT&TT; quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; xuất bản phẩm và tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông... Cơ cấu tổ chức của Sở gồm 4 phòng chuyên môn: Phòng Thanh tra; Thông tin - Báo chí - Xuất bản; Công nghệ; Văn phòng Sở và 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc (Trung tâm Công nghệ TT&TT), với 44 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Từ năm 2005 đến nay, đội ngũ cán bộ ngành TT&TT đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cơ bản có trình độ đào tạo chuyên môn đại học, trình độ lý luận chính trị đảm bảo theo đúng vị trí công tác. Đặc biệt, tuổi đời của đội ngũ công chức, viên chức của ngành còn trẻ, tâm huyết với công việc, luôn năng động, đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kịp thời ban hành các các văn bản quy phạm pháp luật về TT&TT để triển khai cụ thể các cơ chế, chính sách về lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT, báo chí, xuất bản và thông tin cơ sở... góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ CNTT đã có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh; thúc đẩy cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa quy trình giải quyết công việc; mở rộng thêm kênh đối thoại và tạo mối liên hệ gần gũi, bền chặt giữa chính quyền và Nhân dân; quảng bá hình ảnh quê hương Ninh Thuận đến nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế thông qua các phương tiện thông tin đại chúng...

Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh thông tin và Điều hành đô thị thông minh tỉnh được đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Ảnh: Văn Nỷ

Ngay sau khi Nghị quyết số 27-NQ/TW được triển khai, việc thực hiện chính sách do trung ương và địa phương ban hành như: Quy định chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ học tập lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước và nghiệp vụ, chính sách luân chuyển cán bộ, chính sách ưu đãi ngành, các loại phụ cấp... luôn được cấp ủy Chi bộ Sở TT&TT quan tâm, triển khai kịp thời. Việc đào tạo, bồi dưỡng, đề xuất và tiến cử người kế nhiệm đều bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng qua các thế hệ, trong đó ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ... qua đó đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành đề ra...

Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT thời gian qua còn một số khó khăn, hạn chế, như: Tuy có bước phát triển về số lượng, nhưng chất lượng chưa cao; thiếu cán bộ, chuyên gia giỏi, kỹ sư đầu ngành về CNTT; thiếu cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực phần mềm, bảo mật, công nghệ số,... đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ kế cận. Một số trường hợp còn bất cập về kiến thức, năng lực và trình độ, nhất là khả năng ngoại ngữ còn bất cập nên có hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ mới. Đặc biệt là kiến thức về an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, điều này gây nhiều khó khăn trong việc triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh trong thời gian qua. Vấn đề tranh thủ nguồn nhân lực CNTT từ trung ương và các địa phương chưa được các ngành quan tâm; chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ cán bộ CNTT chậm được đẩy mạnh, chưa thực hiện đồng bộ và hiệu quả chưa cao; việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Điểm đáng quan tâm cần có giải pháp khắc phục, đó là, do cán bộ chuyên trách CNTT tại hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều phải kiêm nhiệm nên thời gian để tập trung tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về CNTT có phần hạn chế. Nhân lực CNTT còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số trong giai đoạn tới. Công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn tỉnh còn hạn chế do thiếu các cơ sở đào tạo về các lĩnh vực kinh tế số, nhân lực công nghệ số, kinh doanh số và công dân số; nguồn lực về tài chính đầu tư cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của tỉnh còn hạn chế.

Trong thời gian tới, để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ngành TT&TT, cần tập trung thực hiện tốt chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng số trong cơ quan nhà nước, bao gồm chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo số cho các cấp lãnh đạo; chương trình nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng trong nền kinh tế số; đào tạo về hạ tầng số và đô thị thông minh; về an ninh, an toàn mạng. Trong đó cần quan tâm đào tạo chuyên gia về hạ tầng số và đô thị thông minh; tổ chức hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số, có chia sẻ về kinh nghiệm và bài học thực tiễn cho các cấp lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các cơ sở giáo dục về chuyển đổi số.