Chỉ thị số 40-CT/TW: Tạo bước đột phá trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội

Qua gần 8 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), công tác TDCSXH có nhiều chuyển biến rõ nét. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý phù hợp với thực tiễn cơ sở, huy động được nhiều nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, nhìn nhận: Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời mang đến “luồng sinh khí mới”, thúc đẩy mạnh mẽ tư duy, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự chủ động trong việc phối hợp triển khai có hiệu quả, đưa hoạt động TDCSXH ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng. Sau khi tiếp nhận Chỉ thị số 40-CT/TW, với vai trò là cơ quan đầu mối, đơn vị đã báo cáo cho Ban đại diện - Hội đồng quản trị (BĐD-HĐQT) NHCSXH tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 67-CT/TU ngày 23-4-2015; cùng với đó, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện, đảm bảo đúng theo tinh thần, chủ trương của Đảng, Chính phủ là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp người dân xã Phước Chiến (Thuận Bắc) đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Một trong những điểm sáng mà chúng tôi ghi nhận được ở các địa phương, đó là, các huyện, thành phố đều đưa nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) hằng năm; từ đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo TDCSXH được triển khai sâu sát hơn. Theo đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, Trưởng BĐD-HĐQT Phòng giao dịch NHCSXH huyện, xác định vốn tín dụng ưu đãi là công cụ hữu hiệu, thiết thực để thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm. Huyện ủy, UBND huyện luôn dành sự quan tâm và tạo mọi điều kiện cho hoạt động của phòng giao dịch NHCSXH trên địa bàn, góp phần đẩy nhanh các chương trình cho vay đến các đối tượng thụ hưởng. Hằng năm, huyện đều cân đối, bố trí vốn chuyển sang Phòng giao dịch NHCSXH huyện để bổ sung nguồn lực cho vay, nâng tổng số vốn ngân sách ủy thác đến nay lên trên 2,6 tỷ đồng. Tổng dư nợ qua 14 chương trình tín dụng chính sách tại địa phương đến nay hơn 418,7 tỷ đồng, giúp cho 16.810 lượt hộ nghèo, 10.605 lượt hộ cận nghèo và 11.300 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn để sản xuất, kinh doanh; thu hút tạo việc làm cho trên 3.636 lao động; giúp cho 8.722 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 19.515 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn...

Đặc biệt, trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, từ khi có chủ trương bổ sung các đồng chí Chủ tịch UBND xã tham gia vào BĐD-HĐQT cấp huyện đã góp phần nâng cao sức mạnh chính trị trong bộ máy chỉ đạo điều hành, từ đó mọi chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về TDCSXH được nắm bắt và triển khai kịp thời đến người dân, khắc phục hiệu quả các tồn tại so với trước đây. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tạo điều kiện xây dựng trụ sở chi nhánh, với 65 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh để NHCSXH tổ chức giao dịch an toàn, đảm bảo mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu đều được giải quyết cho vay và được tiếp cận đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Tính đến nay, tổng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh có tổng dư nợ đạt hơn 2.780 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn cân đối từ trung ương 2.348 tỷ đồng, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang 79,7 tỷ đồng, tăng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW là 59,9 tỷ đồng; huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn 156,7 tỷ đồng, huy động từ các tổ chức, cá nhân 206,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, NHCSXH tỉnh tổ chức giải ngân qua 18 chương trình tín dụng ưu đãi cho 75.888 khách hàng, chiếm 41,7% số hộ trên địa bàn tỉnh. Qua thực tế cho thấy, vốn ưu đãi của Chính phủ tác động đáng kể vào mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, thúc đẩy tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, giúp 31/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động TDCSXH, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Kế hoạch số 59-KH/TU ngày 22-7-2021 để triển khai thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư về thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trong thời gian tới. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực TDCSXH; phát huy vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với hoạt động TDCSXH; tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động NHCSXH đáp ứng tình hình mới, chú trọng nguồn vốn cho vay gắn với định hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, hướng tới đưa vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển KT-XH ở địa phương.