Là địa phương có số lượng lớn HS nên công tác chuẩn bị điều kiện cho năm học mới được Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chủ động triển khai đến nay cơ bản hoàn tất cả về công tác tuyển sinh, cơ sở vật chất (CSVC), lựa chọn sách giáo khoa (SGK), sắp xếp, cử cán bộ, giáo viên (CBGV) tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học và triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong năm 2022, thành phố đã xây mới 105 phòng học. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí tự chủ và học phí, các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố đã sửa chữa CSVC phục vụ dạy học với số tiền gần 8,9 tỷ đồng; mua sắm thiết bị dạy học số tiền trên 4,4 tỷ đồng. Trong tháng 8-2022, thành phố cũng sáp nhập Trường TH Đông Hải 3 và Trường THCS Đông Hải thành Trường TH và THCS Võ Nguyên Giáp; sáp nhập Trường Mẫu giáo Bảo An và Trường Mẫu giáo Phước Mỹ thành Trường Mẫu giáo Họa Mi; sáp nhập Trường TH Đô Vinh 2 và Trường TH Đô Vinh 3 thành Trường TH Đô Vinh 2...
Trường THPT Nguyễn Trãi, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Phan Bình
Đối với cấp THPT, bên cạnh việc chăm lo, chuẩn bị tốt các điều kiện như những năm học trước, năm học này, các trường THPT còn tập trung làm tốt công tác lựa chọn, công bố danh mục SGK và xây dựng phương án, tư vấn HS khối 10 lựa chọn môn học, chuyên đề học tập để xếp lớp phù hợp. Theo thầy giáo Nguyễn Ngọc Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, công tác chuẩn bị điều kiện cho năm học mới đến nay được nhà trường triển khai cơ bản hoàn tất. Năm học này, toàn trường có 107 CBGV, nhân viên, đảm bảo giảng dạy cho 1.800 HS/44 lớp. Trong đó, có 615 HS khối 10 đã được tư vấn, đăng ký lựa chọn phương án học tập và xếp lớp phù hợp. Điều phấn khởi là sau một năm “đi học nhờ”, năm học này, thầy và trò nhà trường được “trở về” địa chỉ cũ để học tập, giảng dạy tại ngôi trường vừa được tỉnh đầu tư xây mới với 32 phòng học (trang bị đầy đủ tivi 65 inch) và các phòng chức năng đáp ứng tốt việc triển khai chương trình GDPT 2018.
Đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023 ở huyện Bác Ái cơ bản đã hoàn tất, các đơn vị trường học, thầy, cô giáo, HS sẵn sàng cho ngày khai giảng vào ngày 5-9.
Năm học 2022-2023, toàn huyện Bác Ái có 29 trường học; trong đó, có 9 trường mầm non, 13 trường TH, 5 trường THCS và 3 trường TH-THCS với 6.976 HS/305 lớp. Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, từ các nguồn vốn huy động, huyện đã đầu tư xây dựng bổ sung, cải tạo, sửa chữa và đưa vào sử dụng 8 phòng học, gồm: Xây mới 2 phòng học Trường Mẫu giáo Phước Tiến, 6 phòng ở Trường THCS Võ Văn Kiệt và cải tạo, sửa chữa gần 184 hạng mục CSVC trường học để đưa vào sử dụng trong năm học mới.
Song song với chuẩn bị CSVC, huyện Bác Ái cũng quan tâm, chú trọng đến đội ngũ CBGV. Năm học mới toàn ngành Giáo dục huyện có 711 người công tác tại các đơn vị trường học; trong đó, 73 cán bộ quản lý, 540 GV, 98 nhân viên. Đội ngũ cán bộ quản lý và GV các cấp học trên địa bàn cơ bản đủ về số lượng và cơ cấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp, tăng cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Phòng GD&ĐT quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, GV. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay là toàn huyện vẫn còn thiếu GV Tiếng Anh, Tin học ở các bậc học. Ở cấp TH, số GV Tiếng Anh chưa đáp ứng việc dạy Tiếng Anh, Tin học. Phòng cử 20 GV các môn học khác tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ dạy Tin học do Sở GD&ĐT tổ chức để đảm nhận công tác giảng dạy. Thực hiện đề án sắp xếp mạng lưới trường, lớp, trong năm học này huyện sáp nhập Trường TH Phước Trung A vào Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi nhằm đảm bảo công tác dạy và học.
Với đặc thù huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, số HS dân tộc thiểu số chiếm trên 97%, tỷ lệ HS nghỉ học, vắng học thường xuyên xảy ra, do đó ngay khi kết thúc năm học 2021-2022, các trường học trên địa bàn huyện Bác Ái đã lên kế hoạch cụ thể, phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động HS đến trường, trong đó tập trung ở hai nhóm đối tượng: HS khối lớp 1 và HS THCS.
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Phước Bình B dạy Tiếng Việt cho học sinh
dân tộc Raglai chuẩn bị vào lớp 1.
Thầy giáo Đặng Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bác Ái, cho biết: Hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục các cấp học được phân bố rộng trên phạm vi toàn huyện. Tổng số phòng học, phòng chức năng có 362 phòng, với số phòng học hiện có, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm học này, toàn tỉnh có 301 cơ sở giáo dục, bao gồm 299 cơ sở mầm non, phổ thông và 2 trung tâm, giảm 7 cơ sở so với năm học trước. Dự kiến HS cấp mầm non và phổ thông là 147.991 HS/4.940 lớp, so với cùng kỳ tăng 3.663 HS/49 lớp. Toàn tỉnh có 4.485 phòng học, tăng 187 phòng so với năm học trước. Số phòng học xây mới năm 2022 là 280 phòng, sửa chữa 225 phòng và 25 cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 18 phòng học tạm (mầm non 7 phòng, tiểu học 11 phòng). Các huyện, thành phố đã bố trí 185,38 tỷ đồng để đầu tư xây phòng học và sửa chữa trường, lớp; riêng Trường THPT Nguyễn Trãi được đầu tư 97 tỷ đồng xây dựng mới 32 phòng học, 16 phòng bộ môn và khối văn phòng; ngoài ra, các huyện đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công tác lựa chọn SGK lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong các nhà trường được triển khai đúng quy định và đã hoàn thành. Kết quả lựa chọn SGK được các trường niêm yết công khai danh mục, thông báo đến phụ huynh, HS để có kế hoạch trang bị phù hợp.
Đáp ứng nhu cầu mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho phụ huynh, HS, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học tỉnh, các đại lý, cửa hàng văn phòng phẩm chủ động nhập về số lượng lớn sách vở, đồ dùng, thiết bị dạy-học. Sở GD&ÐT xây dựng kế hoạch phối hợp các Nhà Xuất bản tặng SGK cho HS lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 có hoàn cảnh khó khăn và phân bổ một số SGK cho thư viện các nhà trường.
Đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị điều kiện cho năm học mới được ngành GD&ĐT và các địa phương, đơn vị triển khai chu đáo và cơ bản hoàn tất, sẵn sàng đón HS tựu trường, khai giảng và tổ chức dạy học. Nhìn chung, trong năm học, CSVC trường lớp, đội ngũ CBGV của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học, triển khai chương trình GDPT mới. Đội ngũ CBGV các trường đã được tập huấn sử dụng SGK, sẵn sàng triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Năm học 2022-2023 sắp bắt đầu. Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, kỳ vọng năm học này, ngành GD&ĐT tỉnh nhà tiếp tục thi đua, gặt hái nhiều thành tích trong sự nghiệp “trồng người”.
Phạm Lâm-Phan Thanh