Những ngành nghề ‘hot' trong trong tuyển sinh nghề năm 2022

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐTBXH) cho biết: Với sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch COVID-19, các lĩnh vực như: Du lịch, y tế, logicstics, kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin, sáng tạo phần mềm, nông nghiệp chất lượng cao... đang được người học quan tâm nhiều hơn.

Kế hoạch và chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 đã được đưa vào chương trình Công tác năm 2022 của Bộ LĐTBXH và của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phổ biến triển khai rộng rãi. “Với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN), tất cả các ngành, nghề được các cơ sở GDNN đăng ký bổ sung - đăng ký hoạt động GDNN khi nhu cầu nhân lực tại vùng, địa phương, ngành, lĩnh vực có nhu cầu đều là ngành "hot", ông Bình chia sẻ.

Đào tạo nghiệp vụ buồng, bàn, nhà hành, khách sạn. Ảnh: TTXVN

Tổng cục GDNN đã phê duyệt kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị thông tin đại chúng để thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh năm 2022... để tổ chức và tham gia tuyên truyền tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, việc làm.

Về công tác tuyển sinh năm 2022, sau khi chốt đăng ký xét tuyển của các trường đại học vào ngày 20/8, hiện các trường cao đẳng, trung cấp cũng lên lịch tuyển sinh. Theo các chuyên gia về lao động việc làm, con số hơn 325.000 thí sinh không tham gia xét tuyển vào đại học cho thấy có sự dịch chuyển liên quan đến việc đào tạo với việc làm, nhất là với các em tại vùng nông thôn, miền núi điều kiện khó khăn.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng: Con số 325.000 thí sinh không xét tuyển đại học cho thấy sự phản hồi tích cực phù hợp với xu hướng cần có lao động tay nghề, đáp ứng thị trường lao động cấp trung và phổ thông. Từ góc độ doanh nghiệp, hiện nay, học xong trường đại học khó xin việc làm vì nhu cầu tuyển dụng ở cấp đại học không nhiều, ra trường lại làm trái nghề. Do đó, nhiều em phải tự lo việc cho cá nhân nên việc cân nhắc mang tính thực tiễn. Hiện nguồn tuyển lao động chủ yếu là FDI và tư nhân, nên cần có tay nghề và trình độ thực tiễn cao.

“Nhiều em chọn phương án học trung cấp, cao đẳng và sau đó liên thông lên đại học sau khi có công việc ổn định, muốn tiến thân và cũng thêm trình độ mới cao hơn, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị tuyển dụng. Do đó, cần có sự liên thông giữa các cấp học này vì người học”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.

GDNN với tính chất đặc thù, sự khác biệt là tổ chức đào tạo với thời lượng thực hành, thực tập cao đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật và thực tế đào tạo từ khi hình thành và ngày càng hoàn thiện và đi vào thực chất là kỹ năng nghề nghiệp, năng lực tự chủ của người học để đáp ứng được các vị trí việc làm được tuyển dụng. “Trong công tác tuyển sinh, hiện nay nhiều cơ sở GDNN cam kết đầu ra, việc làm cho học sinh sinh viên. Đây là lợi thế cạnh tranh của GDNN với các bậc học, trình độ đào tạo khác”, ông Phạm Vũ Quốc Bình chia sẻ.

Lợi thế này xuất phát từ ưu điểm trong tổ chức đào tạo của GDNN là phối hợp, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trước - trong và sau khi tổ chức đào tạo. Các tiêu chuẩn, tiêu chí của doanh nghiệp được đưa vào chương trình đào tạo khi hai bên liên kết, phối hợp với nhau trên cơ sở lợi ích của các bên.

Theo TTXVN/Báo Tin tức