Các địa phương: Ninh Sơn, Thuận Nam và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm Sẵn sàng vào năm học mới

Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các trường học trên địa bàn các huyện: Ninh Sơn, Thuận Nam và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cơ bản hoàn tất các khâu chuẩn bị từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến việc ổn định đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV), huy động học sinh (HS) ra lớp, sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023.

Năm học 2022-2023, huyện Ninh Sơn có 38 đơn vị trường học, 496 lớp, với 13.835 HS, tăng 195 HS so với năm học 2021-2022. Ông Nguyễn Cam, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Ninh Sơn, cho biết: Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới, Phòng đã chỉ đạo các trường học đề xuất nhu cầu tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND huyện bố trí kinh phí để sửa chữa, xây mới các phòng học nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các trường học nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trong năm 2022, từ nguồn vốn được phân bổ hơn 10,5 tỷ đồng, Phòng GD&ĐT đã bố trí xây dựng 4 phòng học và 2 phòng chức năng cho Trường TH Lâm Sơn; 4 phòng học cho Trường Tiểu học (TH) Ma Nới; 4 phòng học, tường rào, bếp ăn cho điểm Trường Mẫu giáo (MG) thôn Lương Tri (thuộc Trường MG xã Nhơn Sơn). Bên cạnh đó, Phòng cũng bố trí kinh phí sửa chữa nhỏ về cơ sở vật chất cho các trường học.

Ngoài ra, Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường học chủ động làm tốt công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang khuôn viên, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Đồng thời, ngay từ tháng 6, Phòng cũng đã chỉ đạo các trường học thông qua Ban Đại diện HS tuyên truyền đến phụ huynh HS việc trang bị sách giáo khoa, đồ dùng học tập.

Nhìn chung, công tác chuẩn bị cho năm học mới ở huyện Ninh Sơn cơ bản đã hoàn tất, nỗi lo hiện nay của các trường học là thiếu GV để thực hiện Chương trình phổ cập bậc TH học 2 buổi/ngày. Năm 2022, toàn ngành Giáo dục huyện được giao 1.057 biên chế, so với quy mô trường lớp thì thiếu 51 GV. Các trường học đang sắp xếp, bố trí GV phù hợp để đảm bảo năm 2022-2023 đạt kết quả.

Năm học 2022- 2023, huyện Thuận Nam dự kiến đón 11.366 HS; trong đó, bậc MN có 8 trường với 57 lớp, 1.811 trẻ; bậc TH có 13 trường 242 lớp, 6.500 HS; bậc THCS có 86 lớp với 3.055 HS, so với năm học trước, toàn huyện tăng 11 lớp với 158 HS. Để chủ động cho năm học mới, ngành Giáo dục huyện tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực.

Học sinh Thuận Nam được trao quà, học bổng tiếp sức đến trường
trước năm học mới 2022- 2023. Ảnh: N.Diệp

Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Phòng GD&ĐT huyện Thuận Nam, cho biết: Tranh thủ dịp hè, Phòng chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Trong đó, chú ý các điểm mới của chương trình, việc sử dụng bộ sách giáo khoa mới đối với các khối lớp 1, 2, 3, 6 và 7. Đội ngũ cán bộ, GV được tập huấn trực tuyến nội dung Chương trình GDPT 2018, tập huấn phương pháp dạy học theo sách giáo khoa đã lựa chọn và được tham dự các lớp bồi dưỡng chính trị hè. Công tác lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 được thực hiện kịp thời

Về chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học, huyện Thuận Nam tiến hành xây mới 16 phòng học, 1 nhà bếp và 6 phòng hiệu bộ tại Trường MG Phước Diêm, MN Cà Ná, TH Lạc Nghiệp, TH Sơn Hải với tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng. Dự kiến, đến cuối tháng 10, các công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đồng thời, phân bổ hơn 2 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng và sữa chữa các hạng mục tại Trường MG Nhị Hà, TH và THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường MN Quán Thẻ.

Toàn ngành Giáo dục huyện Thuận Nam hiện có 748 cán bộ, GV, nhân viên; trong đó, cán bộ quản lý 55 người, GV đứng lớp là 590 người (bậc MN 110 người, bậc TH 325 người và bậc THCS 155 người). So với định mức quy định toàn huyện vẫn còn thiếu 8 cán bộ quản lý, 41 GV; trong đó, bậc MN thiếu 12 GV và 1 cán bộ quản lý; bậc TH thiếu 26 GV và 5 cán bộ quản lý và bậc THCS thiếu 3 GV và 2 cán bộ quản lý. Đội ngũ GV thiếu chủ yếu tập trung ở 2 bộ môn Tiếng Anh và Tin học.

Đồng chí Nguyễn Văn Quang cho biết thêm, bên cạnh thiếu giáo viên, bước vào năm học 2022- 2023, ngành Giáo dục huyện còn gặp một số khó khăn như: Thiết bị dạy học để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018 lớp 3, lớp 7 chưa được cấp về các trường học; tại một số trường học số phòng học xây mới chưa kịp đưa vào sử dụng nên các đơn vị phải tận dụng phòng họp, phòng chức năng để bố trí đủ phòng dạy học 2 buổi/ngày đối lớp khối lớp 3 theo Chương trình thay sách mới. Những khó khăn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục nên Phòng rất mong các cấp chính quyền địa phương và Sở GD&ĐT quan tâm xem xét hỗ trợ, giải quyết.

Cùng với chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết, thời điểm này, các trường học trên địa bàn huyện Thuận Nam cũng đang tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác khuyến học khuyến tài, kêu gọi hỗ trợ tiếp sức đến trường cho những em HS có hoàn cảnh khó khăn. Tin rằng, với quyết tâm cao cùng sự đồng hành của toàn xã hội, năm học mới 2022- 2023, ngành Giáo dục huyện Thuận Nam sẽ gặt hái được những thành quả nhất định.

Đến thời điểm này, các trường trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã cơ bản hoàn tất việc tu sửa, xây dựng mới phòng học, chỉnh trang khuôn viên, mua sắm trang thiết bị nhằm bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ năm học mới.

Trường Tiểu học Bảo An 2, phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: P.Bình

Trong năm học mới, toàn thành phố có tổng số học sinh 37.627/1.314 lớp. Cụ thể: MN có 9.510 cháu/507 lớp; TH có 17.450 học sinh/544 lớp; THCS có 10.667 học sinh/263 lớp. Trong năm 2022, thành phố xây dựng mới 105 phòng học, bao gồm: Trường TH Đông Hải 1 xây 12 phòng; Trường TH Mỹ Đông (cơ sở 2) 14 phòng; Trường TH Tấn Tài 1 xây 6 phòng; Trường TH Tấn Tài 3 xây 6 phòng, Trường TH Bảo An 2 xây 10 phòng; Trường TH Đài Sơn xây 10 phòng; Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi xây 8 phòng; Trường TH Mỹ Hương 12 phòng; TH Thanh Sơn xây 12 phòng; TH Đạo Long xây 5 phòng, Trường TH Kinh Dinh xây 10 phòng. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí tự chủ, thành phố đã sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy học cho năm học 2022-2023 trên 8.8 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị với tổng kinh phí gần 4,5 tỷ đồng...

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, các trường TH, THCS đã tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 324/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Ninh Thuận; tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên học tập bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, có 74 cán bộ quản lý, GV đang học tập để nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019. Riêng số lượng cán bộ quản lý, GV cần thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo là 52 người; số lượng cán bộ quản lý, GV thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo bắt đầu đi học trong năm 2022 là 26 người.

Với sự quan tâm đầu tư tích cực cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, tin tưởng rằng trong năm học 2022– 2023 các trường học trên địa bàn thành phố sẽ đạt kết quả cao, góp phần vào sự phát triển giáo dục toàn diện của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm nói riêng và tỉnh ta nói chung.