Văn bản nêu rõ: Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đông người có nguy cơ cháy, nổ cao (cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa dễ cháy, chợ, trung tâm thương mại; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar,…; nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao) và đạt được những kết quả tích cực (Kế hoạch số 356/KH-UBND ngày 25/01/2022; Công văn số 2240/UBND-TCDNC ngày 25/5/2022; Công văn số 3416/UBND-TCDNC ngày 05/8/2022,…). Tuy nhiên, qua vụ cháy nhà dân vào ngày 13/8/2022 (tại số 04/15A đường Trần Quốc Thảo, phường Đài Sơn, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) cho thấy vẫn còn trường hợp chủ quan, lơ là dẫn đến hậu quả không lường về người và tài sản.
Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các nội dung, biện pháp nhằm tăng cường công tác PCCC&CNCH theo chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của UBND tỉnh thời gian qua, cụ thể một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Giao Công an tỉnh:
Tập trung bám sát địa bàn, chủ động rà soát cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao và có biện pháp kịp thời khắc phục, không để xảy ra cháy, nổ,… trên địa bàn tỉnh; trong đó chú trọng các nhà cao tầng, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, khu dân cư, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung đông người. Tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH định kỳ, đột xuất theo quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC, đồng thời thông báo công khai trên phương tiện truyền thông theo quy định.
Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo về an toàn PCCC và CNCH đối với loại hình cơ sở trên; tổ chức bồi dưỡng kiến thức về PCCC, huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho người lao động, lực lượng PCCC cơ sở.
Hướng dẫn người đứng đầu cơ sở thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC&CNCH; hướng dẫn công tác tự tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH của người đứng đầu.
Tiến hành rà soát, củng cố xây dựng các phương án xử lý tình huống cháy, nổ lớn, phức tạp; tổ chức diễn tập, thực tập, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Đồng thời tiếp tục rà soát, trang bị công cụ, phương tiện hỗ trợ cần thiết để hạn chế tối đa thương vong đối với lực lượng trực tiếp tham gia PCCC&CNCH.
2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và tăng cường thời lượng phát sóng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC&CNCH và cảnh báo nguy cơ cháy, nổ tại các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đông người, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà cao tầng, khu dân cư,…
3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.
4. Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn về PCCC đối với khu dân cư, cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý. Chủ động rà soát cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao và có biện pháp kịp thời khắc phục, không để xảy ra cháy, nổ,… trên địa bàn quản lý. Khi xảy ra cháy, nổ tại địa bàn phụ trách phải tập trung các lực lượng tổ chức chữa cháy, CNCH kịp thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả do cháy, nổ gây ra.
Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC&CNCH, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn để cán bộ và Nhân dân biết thực hiện.
Tăng cường chỉ đạo xây dựng và tổ chức phối hợp thực tập phương án chữa cháy tại các khu dân cư, chung cư, cơ sở nguy hiểm cháy nổ cao nằm trong khu dân cư.
5. Giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tăng cường hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, cơ sở sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp xây dựng và thực tập các phương án chữa cháy, CNCH cho toàn khu, cụm và của từng cơ sở; thành lập và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành, tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực sẵn sàng tham gia chữa cháy, CNCH kịp thời, hiệu quả.
6. Giao Công ty Điện lực Ninh Thuận tiếp tục rà soát, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập của mạng lưới điện hạ áp tại khu dân cư; có kế hoạch thay thế các tuyến đường dây đã xuống cấp; các trạm biến áp không đảm bảo công suất phụ tải; khuyến cáo quần chúng nhân dân sử dụng điện tiết kiệm, an toàn. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang lưới điện theo đúng quy định pháp luật.
7. Giao Các Sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ quy định tổ chức thực hiện tốt công tác PCCC&CNCH tại cơ quan, đơn vị và phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
8. Giao Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt những nội dung trên. Trong quá trình thực hiện, Công an tỉnh chủ động báo cáo, tham mưu đề xuất các nội dung công việc có liên quan để UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời, đúng quy định./.
NT