Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tổng kết năm học 2021-2022

Ngày 12-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022; triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 64 điểm cầu trong cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị.

Năm học 2021-2022, trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, ngành GD&ĐT đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh... Nhờ vậy, toàn ngành đã hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng GD&ĐT. Chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT) cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022 với 37/39 thí sinh đoạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) có những cải thiện rõ rệt. Năm 2021, cả nước có 5 cơ sở GDĐH lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2019-2025. Công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính được quan tâm đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực; đã kết nối thành công Cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 lĩnh vực GD&ĐT; kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và cung cấp 12 dịch vụ công trực tuyến.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: Lâm Anh

Tuy vậy, việc triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 còn một số tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức dạy học trực tuyến; sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo chương trình GDPT 2018 còn có ý kiến phản ánh về một số vấn đề liên quan như kênh hình, kênh chữ chưa phù hợp với một số vùng miền, thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh...

Năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên; xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học...