Trần Minh Lực (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy)
Trong quá trình xây dựng Đảng và Chính quyền cách mạng vào những năm 1946-1947, Hồ Chí Minh thấy rằng, bên cạnh những ưu điểm, trong đảng viên, cán bộ còn bộc lộ những thiếu sót lớn làm ảnh hưởng không tốt đến sự nghiệp kháng chiến và xây dựng Chính quyền cách mạng trong giai đoạn mới, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1948.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đã đề cập và hướng dẫn về phương pháp, phương thức hay phong cách làm việc, công tác của cán bộ, đảng viên trên nhiều lĩnh vực công tác của Đảng, Nhà nước. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến 25 chữ “khéo” để dạy đảng viên, cán bộ, công chức trước hết phải tự sửa mình (Tu thân) sau đó phải có phương pháp, cách thức thường xuyên rèn luyện để có những quan hệ xử sự đúng đắn với Đảng, với Tổ quốc, với đồng chí, đồng đội, với cán bộ, công chức và với nhân dân (Xử thế). Là tác phẩm rất bổ ích, nhiều nội dung đến nay vẫn nguyên giá trị thời sự.
Đối với từng cán bộ, đảng viên trước hết phải khéo rèn luyện mình.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn cẩn thận trong suy nghĩ, cân nhắc trong lời nói, chặt chẽ, thận trọng và có phương pháp tốt trong hành động để công việc đúng hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn. “Nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa. Cán bộ và đảng viên làm việc không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều. Đó là lẽ tất nhiên”.
Phải thường xuyên tự học tập, nhất là học lý luận, Bác đã chỉ ra nguyên nhân thất bại là “vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”.
Việc của cơ quan là việc của Đảng, của Nhà nước phục vụ cho lợi ích toàn xã hội và nhân dân cho nên phải có cách làm rộng khắp, đoàn kết tất cả lực lượng, tất cả mọi người, không nên hẹp hòi. “Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết cách xử trí khôn khéo với các hạng đồng bào (như tôn giáo, quốc dân thiểu số, anh em trí thức, các quan lại cũ, v.v.)”
Khi phê bình đồng chí, đồng đội, cán bộ, công chức “phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”.
Phải khéo xử lý với nhiệm vụ, công vụ.
Thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay thì cần “phải biết khéo lợi dụng kinh nghiệm” của người khác, của địa phương khác, của nước khác cho thật phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của mình.
Bác dạy trong từng giai đoạn khác nhau khi thi hành nhiệm vụ phải “giữ vững tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát. Nếu không vậy thì không biết nắm vững các cách thức tranh đấu và các cách thức tổ chức, không biết liên hợp lợi ích ngày thường và lợi ích lâu dài của dân chúng”.
Thực thi nhiệm vụ, công vụ trong từng cơ quan, đơn vị thì khâu tổ chức cũng rất quan trọng như tổ chức hội nghị, tổ chức lớp học, cần phải “sắp xếp thời gian phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau, mà không xung đột với nhau”.
Phải khéo dùng cán bộ và lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
Bác nêu rất nhiều chữ “khéo” đối với công tác tổ chức cán bộ và lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị. Người lãnh đạo nếu “dùng cán bộ không đúng thì công việc thất bại người viết giỏi nhưng nói kém lại dùng vào những việc cần phải nói. Người nói khéo nhưng viết xoàng lại dùng vào công việc viết lách. Thành thử hai người đều không có thành tích”. “Phải khéo dùng cán bộ - Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ”.
Trong công tác của cơ quan, đơn vị, Bác đặc biệt quan tâm công tác tuyển dụng, bố trí sử dụng, theo dõi giúp đỡ và rèn luyện cán bộ. “Trong Đảng ta, có những nơi thường dùng những người văn hay nói khéo, nhưng không làm được việc, không ra tranh đấu. Mà những đồng chí viết không hay nói không thạo nhưng rất trung thành, hăng hái, rất gần gụi quần chúng, thì bị dìm xuống. Chúng ta phải sửa chữa ngay những điểm đó” .
Trong công tác cán bộ, Bác nhắc đi, nhắc lại nhiều lần phải “Khéo dùng cán bộ”, “Khéo dùng cán bộ”! “Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”.
Bác nhắc nhở chứng bệnh mà cán bộ Lãnh đạo, nhất là người đứng đầu thường mắc phải “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”. “Mục đích khéo dùng cán bộ, cốt để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ. Nếu cán bộ có ý hoang mang, sợ hãi, buồn rầu, uất ức, hoặc công tác không hợp, chắc không thành công được”.
Bác xác định rõ trách nhiệm của Người đứng đầu, người Lãnh đạo trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị đó là “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”.
Và việc quan trọng không thể thiếu trong quá trình thực thi nhiệm vụ của người lãnh đạo, quản lý “là khéo kiểm soát, Kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo, về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”.
Phải khéo tập hợp quần chúng và phục vụ nhân dân.
Bác dạy chúng ta phải luôn tôn trọng nhân dân, “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng”.
Đối với dân chúng, Bác dạy phải biết cách để cho họ nói, biết cách lắng nghe, biết cách chọn lọc và biết cách tổng hợp. “Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ của dân chúng, mà cũng nâng cao kinh nghiệm của mình”. “Phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn để, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân”.
Cán bộ, đảng viên cần phải “nằm lòng” những chữ “khéo” trong tác phẩm “sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để sửa mình và đạt hiệu quả cao hơn với công việc được giao.