(NTO) Ngày 7-6, Chính phủ tổ chức cuộc họp trực tuyến về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề (ĐH-CĐ-DN); Đề án xây dựng di dời các trường ĐH-CĐ thuộc vùng Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Đầu cầu tỉnh ta, đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Các đại biểu đang dự hội nghị trực tuyến vế quy hoạch mạng lưới trường ĐH-CĐ-DN
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng đã báo cáo các đề án quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ-DN; đề án xây dựng di dời các trường ĐH-CĐ thuộc vùng Thủ đô Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Theo báo cáo, hiện nay toàn quốc có 414 trường ĐH-CĐ, 429 trường nghề. Nhìn chung, mạng lưới trường ĐH-CĐ-DN tại các vùng đã góp phần đào tạo nhân lực trình độ cao cho các ngành, các địa phương, phục vụ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu các ngành nghề đào tạo trên từng vùng cơ bản đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế-xã hội của mỗi vùng.
Các đại biểu tham dự phiên họp trực tuyến về quy hoạch mạng lưới phát triển trường ĐH-CĐ-DN
Trong giai đoạn 2011-2020, xây dựng, phát triển mạng lưới trường ĐH-CĐ-DN để đào tạo nguồn nhân lực, phù hợp với mục tiêu quy hoạch phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng-an ninh, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống ĐH-CĐ-DN và của toàn xã hội; bảo đảm tính đa dạng, đồng bộ và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân đều có cơ hội tiếp thu giáo dục sau trung học. Dự kiến, theo quy hoạch mới đến năm 2020, toàn quốc sẽ có 591 trường ĐH-CĐ; 2.642 trường nghề. Trong đó, khu vực Nam Trung Bộ sẽ có 10 trường đại học và 8 trường cao đẳng. Định hướng đào tạo chính nghề của các trường vùng này chủ yếu là kỹ thuật, công nghệ, quản lý du lịch, khách sạn và những chuyên ngành liên quan đến kinh tế biển.
Xuân Bính