Hỏi-Đáp pháp luật về Hộ tịch

Hỏi: Nhiều người dân muốn biết nội dung quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP vừa được bổ sung có hiệu lực thi hành.

Đáp: Ngày 28-5-2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 của Chính phủ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 16-7-2020 với nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính về lĩnh vực hộ tịch. Cụ thể:

1. Việc ủy quyền đăng ký hộ tịch.

Kế thừa quy định tại Thông tư số 15/2015/TT-BTP về ủy quyền trong đăng ký hộ tịch đối với một số trường hợp được ủy quyền cho người khác làm thay (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, đăng ký nhận cha mẹ con). Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền.

Tuy nhiên, Thông tư 04 đã bổ sung quy định: Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.

2. Quy định về đặt tên và xác định họ, dân tộc, quê quán của con.

Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây:

- Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

- Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.

3. Giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh

Ngoài các quy định về giấy tờ, tài liệu là cở sở đăng ký lại khai sinh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, Thông tư số 04/2020/TT-BTP đã hướng dẫn cụ thể về trường hợp giấy tờ của người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền xác minh.

Trường hợp cơ quan công an trả lời không có thông tin thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho người yêu cầu đăng ký lại khai sinh lập văn bản cam đoan về thông tin của cha, mẹ và xác định nội dung khai sinh theo văn bản cam đoan.

4. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

Thông tư hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như sau:

- Trường hợp người yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn mà không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đây.

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị đến thời điểm thay đổi tình trạng hôn nhân hoặc 6 tháng kể từ ngày cấp, tùy theo thời điểm nào đến trước.

- Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một (01) bản cho người yêu cầu. Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn.

- Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác, không phải để đăng ký kết hôn, thì người yêu cầu không phải đáp ứng điều kiện kết hôn; trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ mục đích sử dụng, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn. Số lượng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp theo yêu cầu.

- Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người cùng giới tính hoặc kết hôn với người nước ngoài tại Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết.

5. Đơn giản hóa chứng cứ chứng minh cha, mẹ, con

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật Hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

- Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con (trước đây, ngoài văn bản cam đoan thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng).

6. Bổ sung trường hợp khai sinh cho con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng không được thừa nhận là con chung.

Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật.

Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con.

7. Thêm quy định về cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch và thay đổi, bổ sung thông tin của con nuôi.

- Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch (sai sót của người đi đăng ký hộ tịch hoặc sai sót của cơ quan đăng ký hộ tịch…); không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác...

- Việc cải chính nội dung đăng ký khai tử thuộc thẩm quyền của cơ quan đã đăng ký khai tử, theo đề nghị của người có trách nhiệm đăng ký khai tử quy định tại Điều 33 Luật hộ tịch

- Giấy tờ hộ tịch quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật hộ tịch (giấy tờ hộ tịch đã cấp cho cá nhân theo quy định của pháp luật về hộ tịch trước ngày luật có hiệu lực) vẫn có giá trị sử dụng mà không phải bổ sung thông tin hộ tịch còn thiếu so với biểu mẫu hộ tịch hiện hành.

- Giấy tờ hộ tịch được cấp hợp lệ kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 mà thông tin hộ tịch còn thiếu thì được bổ sung, nếu có giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hợp lệ chứng minh.

- Trường hợp cá nhân đã được đăng ký khai sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Giấy khai sinh, Sổ đăng ký khai sinh không ghi ngày, tháng sinh thì được bổ sung ngày, tháng sinh theo Giấy chứng sinh hoặc văn bản xác nhận của cơ sở y tế nơi cá nhân sinh ra.

- Trường hợp con riêng được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi, nếu Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh còn để trống phần khai về cha hoặc mẹ, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của con nuôi bổ sung thông tin về cha dượng hoặc mẹ kế vào phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh; mục Ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha nuôi” hoặc “mẹ nuôi”.

- Nếu Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh có đủ phần khai về cha và mẹ, thì theo yêu cầu của cha nuôi hoặc mẹ nuôi, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của con nuôi thực hiện thay đổi phần khai về cha dượng hoặc mẹ kế vào phần khai về cha hoặc mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh; mục Ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha nuôi” hoặc “mẹ nuôi”.

8. Biểu mẫu giấy tờ hộ tịch

Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 04/2020/TT-BTP đã bổ sung thêm biểu mẫu Giấy khai sinh (bản sao), theo đó có 3 loại giấy tờ hộ tịch do Bộ Tư pháp in ấn, phát hành là: Giấy khai sinh, Giấy khai sinh (bản sao), Giấy chứng nhận kết hôn (trước đây theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP, không có Giấy khai sinh (bản sao) mà sử dụng Trích lục khai sinh (bản sao)).

Với những quy định mới, Thông tư số 04/2020/TT-BTP đã khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong công tác hộ tịch thời gian qua; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết các việc về hộ tịch.