* Hỏi: Hiện nay, trên thực tế khi phát sinh hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, vẫn còn trường hợp chưa xác định được hành vi lấn đất và chiếm đất. Vậy làm thế nào để biết được đâu là hành vi chiếm đất?
* Đáp: Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6-1-2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép. Chẳng hạn như sử dụng đất công ích do UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan nhà nước đang quản lý,..
b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép. Chẳng hạn như: khai phá đất trồng rừng để trồng cây hàng năm, xây dựng nhà ở trên đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ, Ban Quản lý vườn Quốc gia Núi chúa đang quản lý hợp pháp; sử dụng đất đã được nhà nước trưng dụng giao cho một cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng, nhưng cá nhân, hộ gia đình vẫn ở trên đất không chịu di dời.
c) Sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp).
Thanh Yên