Trong số những kết quả đạt được, đáng kể là hoạt động quản lý khoa học ngày càng đi vào chiều sâu, các nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện bám sát với chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phù hợp với yêu cầu thực tế của các sở, ngành, địa phương. Cụ thể, Sở KH&CN tổ chức theo dõi, quản lý đúng quy trình, quy định đối với 32 nhiệm vụ KH&CN; trong đó, có 3 nhiệm vụ được nghiệm thu, 7 nhiệm vụ đang triển khai các thủ tục để ký hợp đồng năm 2022. Tổ chức họp Hội đồng Khoa học tỉnh lần thứ I năm 2022 để tư vấn nhiệm vụ KH&CN tại địa phương triển khai từ năm 2022, gồm 6 nhiệm vụ cấp tỉnh, 2 nhiệm vụ thuộc Chương trình hợp tác với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, 1 nhiệm vụ cấp quốc gia. Các nhiệm vụ triển khai dưới hình ứng dụng, chuyển giao nhân rộng kết quả KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 theo Kế hoạch số 1257/KH-UBND ngày 29-3-2022 của UBND tỉnh cũng được tổ chức thực hiện đúng tiến độ.
Cùng với đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo cũng được tăng cường. Sở KH&CN đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 2 hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tổng hợp danh mục các đề xuất nhiệm vụ thuộc Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN; hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh năm 2022. Đơn cử, hộ kinh doanh Hoàng Văn Tâm, ở khu phố 1, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất đồ gỗ nội thất (máy cưa bàn trượt và máy dán cạnh gỗ) với số tiền 90 triệu đồng.
Hoạt động về KH&CN và đổi mới sáng tạo các ngành, lĩnh vực, địa phương cũng tạo được dấu ấn. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động đăng ký đề xuất các đề tài dự án thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo đã góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lan tỏa sâu rộng hơn so cùng kỳ năm 2021. Công tác phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc thù, xây dựng cánh đồng lớn được các địa phương triển khai đạt được những kết quả nhất định. Đơn cử, huyện Thuận Bắc phát triển và quảng bá 2 thương hiệu heo đen và gà; huyện Thuận Nam đã triển khai triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu, tem nhãn chứng nhận “Nước mắm Cà Ná” cho cơ sở nước mắm Thương Thảo, thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná. Riêng chương trình nhân rộng các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật đáng kể là huyện Ninh Hải triển khai có trọng tâm, trọng điểm, chọn các mô hình hiệu quả thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất theo chuỗi, mang tính bền vững cao. Huyện triển khai mô hình cánh đồng lớn năm 2022 gắn với liên kết doanh nghiệp thông qua hợp tác xã để hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm ổn định cho Nhân dân; đồng thời, duy trì và mở rộng diện tích liền kề của 5 cánh đồng lớn sản xuất lúa, hành tím, nho đã thực hiện năm 2021 với diện tích 748 ha/1.556 hộ.
Có thể nói, hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong 6 tháng đầu năm 2022 đã được các cấp, các ngành tích cực triển khai, nhất là sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 10-1-2022 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đều được Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai kịp thời với các mô hình, quy mô và vốn đầu tư ngày càng thiết thực, hiệu quả. Phát huy những kết quả đạt được, 6 tháng cuối năm 2022, Sở KH&CN sẽ tham mưu UBND tỉnh xác lập các nhiệm vụ KH&CN cụ thể để chủ động chỉ đạo thực hiện. Triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện nhiệm vụ KH&CN, đổi mới sáng tạo; thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh theo quy định của Chính phủ.
Anh Tùng