Những vụ tai nạn cháy, nổ tàu cá đã gây ra những tổn thất lớn về sức khỏe và tài sản của Nhân dân. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cảng cá với cầu tàu trên 585 m là nơi neo đậu của hơn 2.000 tàu cá các loại, các tàu có công suất lớn thường xuyên dự trữ hàng nghìn lít dầu diesel, bình ắc quy, bình gas và các vật liệu dễ cháy như ván gỗ, thùng xốp...; tại các bến neo đậu thường có số lượng lớn tàu thuyền neo đậu sát nhau, không có biện pháp ngăn cháy và khó sơ tán các tàu lân cận khi xảy ra sự cố cháy, nổ dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Ngư dân cần có phương án phòng cháy, chữa cháy khi neo đậu tàu thuyền tại bờ. Ảnh: Văn Nỷ
Hiện nay phần lớn tàu thuyền đều không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các trang thiết bị chữa cháy... Nhận thức của ngư dân trong công tác phòng, chống cháy, nổ trên tàu cá còn nhiều hạn chế, người làm việc trên tàu cá đa số chưa được huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, thiếu ý thức dẫn đến vi phạm các quy định về an toàn PCCC trong bảo quản, sử dụng chất dễ cháy, nổ; không duy trì việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ tàu cá dẫn đến hệ thống điện, ngăn cháy lan, thông gió... không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Để tăng cường công tác PCCC đối với tàu cá, cảng cá, đồng thời để chủ động phòng ngừa, hạn chế các sự cố cháy, nổ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đối với tàu cá, cảng cá trên địa bàn tỉnh; mới đây, UBND tỉnh đã có Công văn số 2641/UBND-TCDNC đề nghị UBND các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chỉ đạo các địa phương nâng cao hiệu quả trong thực hiện hướng dẫn quản lý về PCCC và CNCH đối với tàu cá có chiều dài dưới 6 m thuộc phạm vi quản lý theo Khoản 1 Điều 71 Luật Thủy sản; tăng cường công tác tuyên truyền, ký cam kết gắn với các đợt cao điểm chuyên đề về PCCC và cao điểm đảm bảo an ninh trật tự; kiểm tra hoạt động các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đề nghị đơn vị phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương trong việc tuyên truyền về công tác an toàn PCCC đối với các tàu cá, cảng cá trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy chế trao đổi thông tin, dự báo tình hình, nguy cơ cháy, nổ thuộc phạm vi quản lý để chủ động tham mưu các cấp tăng cường công tác quản lý hiệu quả. Tổ chức thực hiện việc xem xét, kiểm tra các yêu cầu về PCCC trong hoạt động đăng kiểm, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát đối với các tàu cá của cơ sở đăng kiểm, kiểm ngư tại địa phương.
Lực lượng công an, biên phòng tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, kiến thức, kỹ năng chữa cháy và CNCH, các nguy cơ cháy, nổ và biện pháp tăng cường công tác PCCC và CNCH cho người làm việc trên tàu cá, cảng cá; hướng dẫn Ban Quản lý cảng cá, chủ tàu cá thực hiện các quy định về PCCC, trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH, duy trì công tác tự kiểm tra an toàn PCCC, xây dựng, tổ chức thực tập phương án, biện pháp chữa cháy đối với các tàu cá, cảng cá và khu neo đậu. Phối hợp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH cho đăng kiểm viên, kiểm ngư, người được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý tàu cá, cảng cá nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý và xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác PCCC đối với tàu cá, cảng cá để đưa các biện pháp, giải pháp tăng cường công tác PCCC phù hợp với thực tế tại địa phương. Các đồn, trạm kiểm soát biên phòng tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, vận động các chủ tàu cá trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy, kiểm tra bảo đảm các phương tiện an toàn về PCCC trước khi tàu cá ra biển hoạt động; xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện theo quy định của pháp luật...
Trần Duy