Nhân rộng thêm 2 mô hình chợ an toàn thực phẩm

Thời gian qua, việc xây dựng và nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chợ đảm bảo thực hiện tốt các quy định về ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thực hiện Quyết định số 1092/QĐ-UBND ngày 5-7-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Đề án nhân rộng mô hình chợ ATTP trên địa bàn tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 4 chợ thực hiện mô hình, gồm: Chợ Cà Ná (Thuận Nam), chợ Trung tâm huyện Thuận Bắc (Thuận Bắc), chợ Tân Sơn (Ninh Sơn) và chợ Phan Rang (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Trong năm 2022, trên cơ sở đăng ký nhu cầu của các huyện, thành phố, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế về sự phù hợp, khả năng đáp ứng tiêu chí của các chợ do các địa phương đề xuất và thống nhất chọn 2 chợ gồm chợ Nhơn Sơn (Ninh Sơn) và chợ Thanh Hải (Ninh Hải) để thực hiện nhân rộng mô hình chợ ATTP, với tổng kinh phí triển khai trên 430 triệu đồng trích từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa.

Chợ Tân Sơn (Ninh Sơn) là một trong các chợ được triển khai mô hình chợ ATTP.

Trong đó, chợ Nhơn Sơn là chợ hạng III, có diện tích 6.100 m2, chợ được triển khai xây dựng năm 2021 với tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng thay thế chợ cũ đã xuống cấp. Đến nay, chợ đã xây dựng xong, tuy nhiên một số hạng mục phục vụ cho việc mua bán một số mặt hàng như thịt, cá, rau, thực phẩm chế biến chưa có, để tạo thuận lợi cho việc mua bán của các hộ kinh doanh, tiến tới việc xây dựng chợ Nhơn Sơn trở thành chợ ATTP đáp ứng các quy định của Nhà nước - Tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm (TCVN 11856:2017), chợ Nhơn Sơn sẽ tập trung đầu tư thêm một số hạng mục như: Bệ ngồi bán tại khu hàng cá, hàng thịt, rau củ đảm bảo cách mặt sàn chợ tối thiểu theo quy định; tập huấn kiến thức về ATTP cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ; đồng thời trang bị thêm một số thiết bị, dụng cụ hỗ trợ việc kinh doanh đảm bảo chất lượng, ATTP theo quy định.

Đối với chợ Thanh Hải là chợ hạng III, có diện tích 4.000 m2, chợ được đầu tư xây mới theo mô hình xã hội hóa, do Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Phú Thịnh đầu tư, kinh doanh khai thác và quản lý. Dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động từ tháng 12-2019, với tổng vốn đầu tư hơn 11,6 tỷ đồng. Để tiếp tục đáp ứng các yêu cầu vệ sinh ATTP, chợ Thanh Hải cũng sẽ hoàn thiện thêm một số hạng mục như: Cập nhật kiến thức về ATTP cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ, trang bị thêm một số thiết bị, dụng cụ đảm bảo chất lượng, ATTP theo quy định.

Để mô hình chợ ATTP tại chợ Nhơn Sơn và chợ Thanh Hải được nhân rộng và phát huy hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan và UBND 2 huyện Ninh Sơn và Ninh Hải triển khai, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung tuyên truyền, vận động các thương nhân kinh doanh tại chợ tích cực tham gia thực hiện mô hình chợ ATTP; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, triển khai các quy định về về ATTP cho các hộ kinh doanh thực phẩm trong chợ, đơn vị quản lý chợ và đối tượng liên quan; yêu cầu, vận động các hộ kinh doanh tự trang bị biển hiệu ghi tên người bán, số điện thoại của hộ kinh doanh tại chợ; sổ ghi chép phục vụ truy xuất nguồn gốc hàng hóa; thùng đựng rác thải thực phẩm có nắp đậy hoặc xô, chậu; trang bị đầy đủ các dụng cụ, trang thiết bị đảm bảo an toàn và được vệ sinh sạch sẽ trong quá trình kinh doanh.

Thực hiện tốt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng kinh doanh tại chợ bảo đảm việc kinh doanh thực phẩm không ảnh hưởng chéo; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường; trang bị, bố trí số lượng phù hợp thùng rác có nắp đậy tại khu vực xung quanh chợ để thu gom rác, hạn chế nguồn lây nhiễm, gây mất vệ sinh.

Thường xuyên phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn thương nhân tại chợ thực hiện đúng quy định về ATTP để duy trì tốt mô hình chợ ATTP. Bố trí cán bộ theo dõi về vệ sinh ATTP, tạo điều kiện để cán bộ tham gia các lớp tập huấn về ATTP. Theo dõi, giám sát hàng hóa, thực phẩm nhập về kinh doanh tại chợ; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo với cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với các trường hợp hàng hóa đưa vào kinh doanh tại chợ không đảm bảo an toàn, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Đôn đốc, nhắc nhở thương nhân tại chợ thực hiện tốt việc khám sức khỏe định kỳ; công tác vệ sinh môi trường xung quanh khu vực kinh doanh, thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định; niêm yết và bán đúng giá niêm yết.

Bên cạnh đó, chủ động rà soát, cung cấp thông tin về nguồn hàng, sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh theo quy trình đảm bảo vệ sinh ATTP, phù hợp để cung ứng, tiêu thụ tại chợ; cập nhật, giới thiệu đơn vị cung ứng hàng nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn tại các tỉnh bạn để giới thiệu, kết nối tiêu thụ tại chợ…