Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm

Nhận thức tầm quan trọng của an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng đã tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và ngày càng cương quyết trong việc xử phạt hành chính, tuy nhiên, thực tế, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm.

Qua báo cáo kết quả thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” (tháng 5) năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức 75 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP, tiến hành thanh tra 1.841 cơ sở; trong đó, tuyến tỉnh có 4 đoàn (1 đoàn do ngành Y tế, 1 đoàn do ngành Công Thương, 1 đoàn do ngành Nông nghiệp và 1 đoàn do Cục Quản lý thị trường chủ trì); tuyến huyện, thành phố có 7 đoàn và tuyến xã, phường, thị trấn có 64 đoàn. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 157 cơ sở vi phạm, phạt tiền 21 cơ sở, với tổng số tiền 37 triệu đồng. Tập trung vào các lỗi như: Khu vực, dụng cụ chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định, sản phẩm có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, cơ sở không thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá hàng hóa... Điển hình như đối với nhà hàng Hương Việt (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), khi đoàn thanh tra đến kiểm tra, phát hiện cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp bị ứ đọng, không được che kín gây mùi hôi và mất vệ sinh. Đoàn đã xử phạt hành chính với số tiền 8 triệu đồng, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục lỗi vi phạm. Hay như tại cơ sở sản xuất nước mắm ông Mười (Thuận Nam) có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, bị cơ quan chức năng xử phạt gần 6 triệu đồng...

Đoàn Thanh tra liên ngành an toàn thực phẩm do Sở Y tế chủ trì tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Công tác quản lý ATTP cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Một trong những bất cập đó là công tác xử lý vi phạm hành chính tuyến xã, phường, thị trấn khó thực hiện. Lý do là cơ sở kinh doanh do xã, phường quản lý nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế. Công tác xử lý chủ yếu nhắc nhở là chính nên chưa đủ sức răn đe, ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định pháp luật ATTP chưa nghiêm. Ngoài ra, kinh phí cho công tác quản lý, kiểm soát ATTP hạn chế...

Để nâng cao hiệu quả công tác ATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, cũng như các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các quy định về ATTP. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Đồng chí Mai Thị Phương Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với vai trò là đơn vị cơ quan thường trực, Sở Y tế sẽ tham mưu với tỉnh kiến nghị trung ương bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý, kiểm soát ATTP. Ngoài ra, tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản, chuyên sâu, giúp cán bộ làm công tác quản lý ATTP thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, làm cơ sở nâng cao hiệu quả công tác ATTP, bảo đảm quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng.