(NTO) Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc! Cuộc đời Bác, cuộc đời của những trang sử hào hùng. Bác tự mình mang lấy sứ mệnh giải phóng dân tộc, sứ mệnh đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân và Người đã hoàn thành sứ mệnh ấy một cách phi thường! Năm 21 tuổi, Người ra đi tìm đường cứu nước, cuộc đời Người từ đó gắn liền với vận mệnh của cả dân tộc. Bôn ba khắp năm châu bốn bề, tâm thức Người luôn hướng về dân tộc và tìm cho dân tộc một lối thoát, thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến khốn khổ, cũng chính là thoát khỏi sự nghèo nàn, lạc hậu. Bằng lòng yêu nước sâu sắc, bằng ý chí đấu tranh và nghị lực phi thường, bằng cả lý trí và tình cảm, Người đã ra đi và đã tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn. Trải qua bao gian khổ, nếm trải những khó khăn thiếu thốn và những khổ hình chốn lao tù, Người đã vạch ra và cùng nhân dân cả nước đi trên con đường cách mạng, con đường giải phóng, giành lấy ấm no, hạnh phúc, với sự thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nước nhà. Có thể nói, sự nghiệp cách mạng của Người là một chặng đường dài mà mỗi học sinh như tôi khó lòng nói hết được.
Khi nói về đạo đức cách mạng của Người, tôi rất thích mẩu chuyện “Không phải là siêu nhiên” nói về Bác như sau: Sau một phiên họp Hội đồng Chính phủ (năm 1948) các thành viên trong Hội đồng Chính phủ ở lại ăn cơm chiều với Bác. Trong những lần gặp gỡ như vậy, Bác rất vui, Người kể chuyện về những lần bôn ba ở nước ngoài, chuyện Tây chuyện Tàu đủ cả. Nhân đó, có người mạnh dạn hỏi: “Vì sao Bác không lập gia đình?”. Bác nói: “Mình cũng chẳng phải thần thánh gì, cũng như tất cả mọi người thôi. Nhưng với hoàn cảnh đã qua và hiện nay, có điều kiện nào mà nghĩ đến chuyện lập gia đình, không phải vì đạo đức mà là phải chịu đạo đức đó thôi. Nhưng chưa lo được gia đình nhỏ thì ta hãy lo cho gia đình lớn vậy”... Tôi thiết nghĩ, nói thì nói thế nhưng trong lòng Bác liệu có cảm thấy một nỗi cô đơn trống trải nào đó không nhỉ? Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ là người bình thường thôi, cũng thèm một mái ấm gia đình, có tiếng cười trẻ thơ, có vợ hiền đảm đang… Người làm cách mạng là người giàu tình cảm, lại càng quý trọng cuộc sống gia đình. Hơn nữa, Bác mồ côi mẹ từ năm lên 9 tuổi, hơn mười năm sau giã biệt cha già, ra đi tìm đường cứu nước. Anh mất, rồi chị mất, đều không có điều kiện chăm lo. Ắt hẳn Bác đã phải gắng gỏi biết bao để vượt lên những phút cô đơn. Ở Bác, những tình cảm lớn, dù sâu sắc, mênh mông tới đâu cũng không bao giờ che khuất được tình cảm riêng tư. Đúng vậy, khi đất nước chưa thoát khỏi bóng đen nô lệ, khi nhân dân Việt Nam còn chìm trong cảnh khổ, Bác không thể nghĩ đến tình cảm cá nhân mà chỉ biết dâng trọn trái tim mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, để lại cho mình một khoảng trống cô đơn trong sâu thẳm tâm hồn…
Hồ Chí Minh – Tấm gương đạo đức sáng ngời! Cuộc sống của Người là cuộc sống của một người làm cách mạng, của một vị Chủ tịch nước, nhưng lại hết sức giản dị và thanh tao, chan chứa tình thương yêu đối với mọi người, đặc biệt là thiếu nhi. Bác hết sức gần gũi, ở Bác không có sự kiêu căng ngạo mạn, không có sự xa rời thường thấy ở những người bận rộn với trăm công nghìn việc. Mà, Người sống một lối sống hài hòa giữa lý tưởng và đạo đức, là một sự kết hợp tuyệt vời của chân, thiện, mỹ mà không phải ai cũng có được. Nổi bật ở Người là đức tính giản dị và tiết kiệm mà ta thường nghe qua những mẩu chuyện kể về Người. Là anh hùng giải phóng dân tộc và là danh nhân văn hóa thế giới, Hồ Chí Minh vĩ đại mà vô cùng giản dị, bởi thực sự vĩ đại nên Người mới vô cùng giản dị như thế.
Hiện nay đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, hội nhập, thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất quan trọng. Vì tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là nền tảng tinh thần của xã hội. Đặc biệt, học tập tấm gương đạo đức của Người là một biện pháp hữu hiệu để mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh… đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác.
Trần Thị Anh Chi