Nghiên cứu của Đại học Adelaide và Trung tâm John Innes của Vương quốc Anh được đăng tải trên tạp chí Science Advances ngày 11/5. Theo đó, các nhà khoa học phát hiện nhân tố gene giúp tăng sản lượng cây trồng và có thể tăng hàm lượng protein thêm 25%.
Thu hoạch lúa mì tại Inverleigh, cách thành phố Melbourne, Australia, khoảng 100 km. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhà khoa học Scott Boden, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết biến đổi gene mà họ phát hiện ra giúp tăng 15-25% hàm lượng protein cho cây trồng mà không làm giảm sản lượng. Vì vậy phát hiện này có thể mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn so với chỉ tăng giá trị dinh dưỡng.
Theo nhà khoa học Boden, phát hiện này có thể dẫn đến phát triển được những loại lúa mì mới có chất lượng hạt cao hơn. Ông Boden cho biết: "Lúa mì chiếm gần 20% protein tiêu thụ trên toàn thế giới, vì vậy, nghiên cứu này có thể đem lại nhiều lợi ích cho xã hội bằng việc cung cấp hạt với hàm lượng protein cao hơn do đó có thể giúp sản xuất những thực phẩm nhiều dinh dưỡng hơn như bánh mì và ngũ cốc ăn sáng".
Các nhà nghiên cứu lạc quan rằng trong 2-3 năm tới sẽ có các loại lúa mì mới, và người nông dân sẽ bắt đầu thu được lợi ích trong vòng 1 thập niên nữa.
Theo TTXVN/Báo Tin tức