Với phương pháp mới này, các bác sĩ có thể sử dụng kính thực tế ảo (VR headset) để thăm khám sức khỏe của bệnh nhân, đưa ra chẩn đoán và thậm chí lên kế hoạch phẫu thuật.
Ứng dụng cũng bao gồm cả haptics - công nghệ truyền thông tin thông qua cảm ứng. Theo các nhà khoa học tại Đại học Tampere, phương pháp này bao gồm một bộ điều khiển đặc biệt, cho phép bác sĩ phẫu thuật trải nghiệm cảm giác "chạm" vào khu vực đang được phẫu thuật.
Một nhà nghiên cứu nghiên cứu hình ảnh một bệnh nhân sử dụng tai nghe ảo. Ảnh: Hilma Toivonen
Chuyên gia về X-quang răng hàm mặt tại Bệnh viện Đại học Tampere Jorma Jarnstedt cho biết, trong tương lai, phương pháp này có thể thay thế việc lập kế hoạch phẫu thuật 2 chiều (2D) vốn sử dụng các máy tính truyền thống hơn. Đặc biệt, phương pháp mới có những ưu thế vượt trội so với các phương pháp cũ, nhờ giúp các bác sĩ hình dung được những cấu trúc giải phẫu phức tạp.
Nghiên cứu mang tên "Digital and Physical Immersion in Radiology and Surgery" (DPI) do Đại học Tampere (Phần Lan) điều phối, với sự tham gia của bệnh viện Đại học Tampere và nhiều doanh nghiệp khác. Nghiên cứu đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Khi dự án trên kết thúc, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp và Đại học Aalto tại thành phố Espoo (Phần Lan) để phát triển trí tuệ nhân tạo, với mục tiêu cho phép nhiều bác sĩ tham gia vào cùng một thực tế ảo, phân tích, xem xét mẫu bệnh nhân khi họ phải đưa ra các quyết định yêu cầu chuyên môn từ các bác sĩ chuyên khoa khác nhau.
Theo nhà nghiên cứu Pertti Huuskonen, điều này đánh dấu một bước chuyển đổi quan trọng trong bối cảnh y học đang ngày càng hướng tới chẩn đoán và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Nhà nghiên cứu này cho rằng trong tương lai, các buổi khám chữa bệnh sẽ được thực hiện trên các nền tảng ảo.
Theo TTXVN/Báo Tin tức