Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lãnh đạo quân và dân địa phương tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng quê hương

Cách đây 47 năm, với chiến thắng ngày 16-4-1975 lịch sử, quân và dân Ninh Thuận đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đây là thắng lợi vĩ đại nhất, vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Ninh Thuận từ khi có Đảng lãnh đạo. Một trong những nguyên nhân, đồng thời cũng là bài học sâu sắc nhất được rút ra từ chiến thắng vĩ đại ngày 16-4, đó là bài học về “Đảng bộ tỉnh lãnh đạo quân và dân địa phương tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng quê hương”.

Như chúng ta đã biết, từ cuối năm 1974, cuộc kháng chiến ở miền Nam diễn ra rất sôi động, tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi nhanh chóng có lợi cho cách mạng và thời cơ giành thắng lợi lớn xuất hiện. Nhu cầu bức thiết của lịch sử đòi hỏi Đảng ta phải đánh giá đúng tình thế cách mạng, vạch ra phương hướng và nhiệm vụ trước mắt để đưa cách mạng tiến lên. Hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 30 đến 7-10-1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975) đã họp bàn về chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bộ Chính trị đã chỉ rõ “Nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc”.

Bộ đội đánh chiếm Tòa hành chính - cơ quan đầu não chính quyền Ninh Thuận lúc 9 giờ 30 phút, ngày 16-4-1975. Ảnh tư liệu

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Quân khu ủy Khu 6 và Bộ Tư lệnh Quân khu, Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận xác định nhiệm vụ cấp bách cho quân và dân toàn tỉnh là “Tập trung sức đánh phá ngăn chặn có hiệu quả các cuộc hành quân càn quét lấn chiếm, ủi phá địa hình, dồn dân lập ấp của địch. Xây dựng và bảo vệ các khu căn cứ, mở rộng vùng nông thôn, vây ép thị trấn, thị xã, cắt đứt giao thông... tạo điều kiện thuận lợi để giành thắng lợi lớn hơn khi có thời cơ đến”. Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã quyết định phân công chỉ đạo cụ thể: đồng chí Phan Việt Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách chung, đồng chí Hồ Mai, Chính trị viên, Phó Tỉnh đội, đồng chí Trần Tụy, Phó ban Tham mưu và đồng chí Hồ Mảnh cùng trực chỉ huy.

Tháng 2-1975, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương C gồm đồng chí Nguyễn Đức Thành, Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Trình Các, Tỉnh đội trưởng làm Phó ban cùng các đồng chí Phạm Thân, Huỳnh Hữu Lộng, Tô Văn. Ban Chỉ huy tiền phương C có nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy các địa phương và đơn vị ở phía Bắc tỉnh (hướng trọng điểm lúc bấy giờ) phối hợp với hoạt động của các lực lượng của trên, chủ yếu là đánh địch giành quyền làm chủ mảng Quốc lộ 11.

Thực hiện chỉ thị của trên và chủ trương của Tỉnh ủy, từ đầu năm 1975 quân và dân Ninh Thuận khẩn trương triển khai kế hoạch hoạt động và xây dựng có nhiều thuận lợi hơn trước, khí thế cách mạng này càng được nâng lên. Các lực lượng vũ trang của tỉnh và huyện phát huy thắng lợi trong mùa khô năm 1974 đã đẩy mạnh các mặt tấn công và xây dựng; đánh địch trong đồn bót, trong ấp chiến lược và bọn địch bung ra ngoài đạt nhiều kết quả. Tính chung 3 tháng đầu năm 1975, các đơn vị vũ trang đã đánh 92 trận, diệt và làm bị thương 170 tên, diệt 1 trung đội dân vệ, bức rút các điểm lấn chiếm, mở vùng làm chủ, tạo thế áp sát vùng địch.

Tỉnh ủy, Ủy ban Quân quản tỉnh ra mắt nhân dân trong lễ mit-tinh chào mừng quê hương giải phóng (1975). 

Cũng từ đầu năm 1975, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng diễn ra mạnh mẽ, có nội dung chính trị rõ rệt như: Quần chúng đã đốt phá các tờ truyền đơn của địch, đấu tranh vạch mặt bọn dân vệ cướp lúa, chống âm mưu cướp lúa của địch; ngoài ra quần chúng còn công khai bàn tán thời sự về thắng lợi của ta, thất bại của địch.

Từ tháng 3-1975, nhất là sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, Bộ Tư lệnh Quân khu 6 chủ trương: các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy tiếp tục hoạt động mở rộng địa bàn, nhằm các mục tiêu mà địch đã lấn chiếm, đưa phong trào đấu tranh của quần chúng tiến lên giành quyền làm chủ.

Thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân khu thời điểm này, Tỉnh ủy Ninh Thuận đề ra phương hướng “chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt để phối hợp với phong trào quần chúng đẩy mạnh tiến công địch trên 3 vùng, 3 mũi giành thắng lợi trong mọi tình huống”. Để tăng cường cho lực lượng phía trước, trong phương hướng nhiệm vụ cuối năm 1974 đầu năm 1975, Tỉnh ủy chỉ rõ “đối với bộ đội tỉnh chú ý nâng cao chất lượng các đơn vị hiện có, nghiên cứu rút thanh niên dân tộc bổ sung cho các đơn vị công binh, 610 và 209”; huy động 300 cán bộ, chiến sĩ du kích ở các huyện căn cứ bổ sung cho các đơn vị đẩy mạnh hoạt động đánh địch trên Quốc lộ 11 và Sân bay Thành Sơn.

Sau thất bại ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, nhận thấy nguy cơ Sài Gòn bị tấn công từ xa, địch chọn Phan Rang làm lá chắn ngăn chặn. Phan Rang có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, nằm trên ngã ba Quốc lộ 1 và Quốc lộ 11 đi Đà Lạt, nối liền Trung Bộ với Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Có cảng biển Ninh Chữ để đặt hạm đội ngoài khơi; căn cứ không quân Thành Sơn chứa được số lượng lớn máy bay. Nếu chốt giữ Phan Rang sẽ án ngữ được Quốc lộ 11 từ Đà Lạt xuống Phan Rang; Quốc lộ 1 từ Cam Ranh đi vào Nam. Với vị trí chiến lược đó, địch nhận định: “nếu giữ được Phan Rang, lập cái “lá chắn” ở đây sẽ chặn được đường bộ lẫn đường biển”.

Đông đảo đồng bào huyện Bác Ái dự lễ mít-tinh trong ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên thống nhất đất nước (ngày 25-4-1976). Ảnh tư liệu

Sau khi các tỉnh từ vĩ tuyến 17 trở vào đến Khánh Hòa được giải phóng; 2 tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức cũng nổi dậy và giải phóng, địch sát nhập hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào Vùng 3 chiến thuật. Địch cấp tốc tăng quân và hò hét “phải giữ bằng được Phan Rang, lập ở đây một lá chắn để chặn cộng sản tiến công theo đường bộ và đường biển” chúng lập ra Bộ Tư lệnh tiền phương có sở chỉ huy đặt ở Sân bay Thành Sơn.

Trước khí thế cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ, lan rộng trong toàn tỉnh; thực hiện mệnh lệnh của trên, quán triệt tư tưởng tấn công trong thế và lực có lợi cho ta; Đảng bộ Ninh Thuận lãnh đạo quân và dân trong toàn tỉnh vùng lên tấn công địch, giải phóng tỉnh nhà. Tỉnh ủy đã cử một đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy và một đồng chí trong Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng đơn vị 610 ra chốt ngay Quốc lộ 11 sẵn sàng đánh địch.

Từ đầu tháng 4-1975, với những trận chiến đấu gay go, quyết liệt, với tinh thần dũng cảm, ngoan cường, quân và dân Ninh Thuận lần lượt đánh bại các toán tàn quân của địch ở Đà Lạt xuống, giải phóng Krông-Pha; tiếp tục giành thắng lợi ở các vị trí trọng yếu tại Tháp Chàm.

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 ở Ninh Thuận, Tỉnh ủy đã huy động sức dân của đồng bào Bác Ái, Nhân dân các địa phương trong việc dọn, mở các tuyến đường trọng yếu để quân ta dễ dáng tiến công, tiếp cận, áp sát các mục tiêu của địch. Trong đó, nổi bật đồng bào Bác Ái, với khí thế khẩn trương, chỉ 6 tiếng đồng hồ đồng bào đã khai thông đoạn đường hơn 50 km từ Ba Ngòi vào Tà Lú - Ma Ty. Bên cạnh đó, lực lượng công binh của tỉnh phối hợp lực lượng chủ lực làm đường vượt sông (đoạn cầu Tân Mỹ). Theo yêu cầu của chiến trường, ngày 13-4-1975, Quân khu 5 tăng cường cho Ninh Thuận sư đoàn 3 và sư đoàn 25 Tây Nguyên; Quân khu 6 cũng tăng cường cho tỉnh 2 đại đội đặc công và công binh. Mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, lực lượng của ta áp sát mọi mục tiêu của địch.

5 giờ 30 phút sáng ngày 14-4-1975, quân dân Ninh Thuận đã phối hợp cùng lực lượng Sư đoàn 3 Quân khu 5, Trung đoàn 25 Tây Nguyên và Quân khu 6, 2 đại đội đặc công, công binh được tăng cường bắt đầu tiến công “Tuyến phòng thủ từ xa” của địch và toàn thắng vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 16-4 lịch sử, cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên đỉnh Tòa hành chính tỉnh - cơ quan đầu não ngụy quyền, ta làm chủ Phan Rang. Trưa ngày 16-4-1975, quân ta làm chủ Sân bay Thành Sơn, sau đó phối hợp với lực lượng chủ lực, Tiểu đoàn 610 hình thành 1 mũi tiến công giải phóng các vùng nông thôn 2 bên Quốc lộ 11, từ Đèo Cậu xuống ngã ba Tháp Chàm, chiếm quận lỵ Bửu Sơn.

Bộ đội địa phương và dân quân du kích ở các huyện khác trong tỉnh đứng lên đồng loạt nổi dậy giành chính quyền, Ninh Thuận đã hoàn toàn giải phóng. Đến 18 giờ ngày 16-4-1975, cơ quan Tỉnh ủy và các ban, ngành của tỉnh từ Tân Mỹ (Ninh Sơn) tiến về tiếp thu, tiếp quản thị xã Phan Rang - Tháp Chàm nhanh gọn và triển khai công tác kịp thời.

Chiến thắng ngày 16-4-1975, Ninh Thuận được giải phóng, đồng thời ghi thêm chiến công của Đảng bộ, quân dân tỉnh nhà trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ thành quả của cách mạng, giải phóng quê hương. Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự phối hợp của Đảng bộ, quân dân tỉnh nhà với lực lượng chủ lực bằng ý chí chiến đấu quật cường với những đòn tiến công quân sự mạnh mẽ, quân dân ta đã bắt sống và làm tan rã Sở Chỉ huy tiền phương, các đơn vị Quân đoàn 3 ngụy, trong đó bắt sống hai tướng và 1 đại tá cố vấn Mỹ, thu 51 máy bay các loại, 13 pháo lớn, 11 xe bọc thép và nhiều phương tiện chiến tranh khác.

Nhân dân tham gia Lễ mít-tinh chào mừng năm đầu tiên giải phóng Ninh Thuận. Ảnh tư liệu

Chiến thắng ngày 16-4 ở Ninh Thuận đã kết thúc quá trình đấu tranh cách mạng giành độc lập tự do và giải phóng quê hương của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận. Một quá trình đấu tranh gian nan, thử thách. Nhưng rất mực hào hùng, sáng ngời ý chí cách mạng vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, tự lực tự cường, đoàn kết, thống nhất, giành thắng lợi vẻ vang.

Thắng lợi to lớn, toàn diện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là chiến thắng mùa Xuân năm 1975 ở Ninh Thuận để lại cho ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có những bài học sau đây:

Một là, xây dựng Đảng vững mạnh, trực tiếp và chủ động lãnh đạo; giữ vững khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, có thể nói Ninh Thuận là một trong những chiến trường khó khăn nhất của cả nước, cả miền; đây là chiến trường đất không rộng, đồng bằng hẹp, núi rừng nhiều, dân số sống tập trung ở đồng bằng. Trong khi đó, địch tập trung rất đông, có căn cứ không quân lớn và tiếp giáp với căn cứ hải quân, địch lại có nhiều thủ đoạn thâm độc đánh phá phong trào; chiến trường Ninh Thuận trực tiếp đương đầu với tên đế quốc đầu sỏ và bọn tay sai gian ác. Tuy nhiên, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đặc biệt trong trận quyết chiến cuối cùng vào mùa Xuân năm 1975, Đảng bộ Ninh Thuận luôn nắm vững và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, biết vận dụng thích hợp vào điều kiện cụ thể của chiến trường địa phương. Đảng bộ và quân dân Ninh Thuận đã kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện nhiều hình thức đánh địch linh hoạt, sáng tạo nhưng vẫn đi đúng đường lối, chủ trương của Trung ương. Từng lúc, từng nơi, tùy theo điều kiện chiến trường, sự tương quan giữa ta và địch mà vận dụng mọi lợi thế, thời cơ để đánh địch hiệu quả.

Mit-tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm Quốc khánh 2-9 và chào mừng năm đầu tiên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975). Ảnh tư liệu

Để giữ vững vai trò lãnh đạo của mình, Đảng bộ luôn luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn luôn chỉnh đốn, tổ chức Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức; xây dựng đội ngũ đảng viên, cấp ủy các cấp trung thành với sự nghiệp của đảng, của dân, cần cù, dũng cảm, sáng tạo, gương mẫu, gian khổ không ngại, ác liệt không sờn, luôn luôn đi đầu trong chiến đấu và công tác, dẫn dắt quần chúng noi theo. Đồng thời, Đảng bộ phải luôn chăm lo xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xem đây là nhân tố quan trọng cho sự vững mạnh của Đảng bộ. Đó là những yếu tố tạo nên sức mạnh của Đảng lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thứ hai, quán triệt quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng bộ phát huy được sức mạnh của toàn dân đứng lên chống giặc ngoại xâm.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ phức tạp, khó khăn và quyết liệt trên nhiều mặt, chỉ có sức mạnh của toàn dân mới vượt qua được. Hồ Chủ tịch luôn dạy chúng ta bất kỳ tình huống nào cũng phải bám chắc lấy dân, dựa vào dân. Đảng ta dựa vào dân với niềm tin tưởng tuyệt đối “việc gì khó dân liệu cũng xong”. Qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975 là minh chứng hùng hồn cho việc quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; phát huy sức mạnh toàn dân đứng lên đánh giặc ngoại xâm. Trong mọi trận đánh, trên mọi chiến trường, trong mọi địa hình và mọi thời điểm Đảng bộ và toàn quân luôn dựa vào dân, phát huy lòng yêu nước của Nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng là giải phóng tỉnh nhà, tiến tới cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Dựa vào dân, Đảng ta đã giáo dục, giác ngộ chính trị cho Nhân dân, tổ chức họ vào những đoàn thể kháng chiến, thực hiện phương châm toàn dân đánh giặc, toàn diện đánh giặc. Đồng thời, Đảng bộ luôn chăm lo bồi dưỡng sức dân, làm cho đời sống kinh tế, văn hóa của Nhân dân ngày càng nâng cao. Quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy trong mọi lĩnh vực: Xây dựng, củng cố vùng giải phóng, đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và binh vận. Trên những lĩnh vực đấu tranh này, Nhân dân là người sáng tạo, sáng kiến những phương pháp đấu tranh hay, hiệu quả, góp vào truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc những kinh nghiệm quý.

Thứ ba, nắm vững đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài; phát huy nhân tài, vật lực của địa phương là chính; đồng thời vận dụng có hiệu quả sự chi viện của Trung ương và các tỉnh trong cả nước.

Đây là một trong những bài học lớn về sự lãnh đạo của Đảng bộ, góp phần đưa tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta. Nhìn lại lịch sử, có thể nói, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của Nhân dân tỉnh nhà diễn ra trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Do tính chất của cuộc kháng chiến kéo dài, đầy hy sinh gian khổ, Ninh Thuận lại ở vào vị trí xa sự lãnh đạo của Khu và Trung ương, việc chi viện, tiếp tế không thường xuyên, đầy đủ. Trong hoàn cảnh ấy, Đảng bộ đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong việc hoạch định đường lối kháng chiến, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, khai thác và sử dụng triệt để sức người, sức của mà ta có được.

Đồng thời, Đảng bộ cũng sử dụng hiệu quả sự chi viện của Trung ương và các tỉnh bạn về nhân tài, vật lực. Trong cuộc tiến công mùa Xuân năm 1975, lực lượng địa phương ta phối hợp lực lượng chủ lực trong các trận chiến đấu làm nên những thắng lợi to lớn.

Thứ tư, phải xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tính tự giác của toàn quân và toàn dân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ đặc biệt chú trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh công - nông và trí thức. Đảng bộ đã tập hợp được các lực lượng yêu nước vào một mặt trận chung, khối đoàn kết liên minh công - nông - trí thức luôn phát triển, củng cố vững chắc, đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến. Trên cơ sở đoàn kết, sức mạnh dân tộc được phát huy cao độ đã đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và cuối cùng làm nên một mùa Xuân 1975 đại thắng. Quá trình xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thống nhất, đồng thời với mở rộng dân chủ, làm cho mọi người tự giác chấp hành mệnh lệnh, kỷ luật. Nhờ tính kỷ luật tự giác đó, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các lực lượng quân sự, chính trị đã phối hợp nhịp nhàng, ăn ý, đúng thời gian quy định nên đã đưa cuộc tổng tiến công và nổi dậy nhanh chóng giành thắng lợi.

Thứ năm, nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, không ngừng xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích, liên tục tấn công địch, bảo vệ thành quả cách mạng, giành thắng lợi cuối cùng.

Ngay sau khi Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra đời (1959) về việc chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang; Đảng bộ Ninh Thuận đã sớm tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh và bước vào những trận đánh địch có hiệu quả.

Đầu năm 1959, lực lượng vũ trang tỉnh mới có 31 đồng chí, trang bị thô sơ, qua những tháng năm kháng chiến, được sự chi viện của hậu phương miền Bắc, cùng với phong trào đấu tranh phá ấp chiến lược của đồng bào miền núi, hàng trăm thanh niên trên vùng căn cứ miền núi đã tình nguyện tham gia cách mạng. Lực lượng vũ trang tỉnh, huyện hình thành các đơn vị tập trung, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Qua quá trình công tác và chiến đấu, lực lượng vũ trang Ninh Thuận đã trải qua biết bao gian khổ, ác liệt và hy sinh, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm tiến hành kháng chiến đến ngày thắng lợi.

Chiến thắng ngày 16-4-1975 đã đi vào lịch sử, 47 năm sau ngày giải phóng, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân Ninh Thuận luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy những thành tựu đạt được sau 30 năm đổi mới, Ninh Thuận đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo thế và lực cho Ninh Thuận tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trên những chặng đường tiếp theo.

Theo Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Đập tan “lá chắn thép” Phan Rang- Ý nghĩa và bài học lịch sử