Ninh Thuận - 30 năm tái lập, đổi mới sáng tạo và phát triển nhanh, bền vững

Tại Kỳ họp thứ 10, ngày 26-12-1991, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận; từ ngày 1-4-1992 tỉnh Ninh Thuận được tái lập và chính thức đi vào hoạt động.

Kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của tỉnh Ninh Thuận anh hùng, ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt và yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng xây dựng bộ máy lãnh đạo, quản lý, điều hành vững mạnh, có khả năng ra quyết sách lớn nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển nhanh và bền vững. Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh - từ Đại hội lần thứ VIII đến Đại hội lần thứ XIV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của tỉnh; xác định nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp đột phá, tạo thế phát triển vững chắc trong từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với thực tiễn.

 

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.

Tầm nhìn đến khát vọng phát triển

Nhìn lại những ngày tỉnh mới tái lập, trong bối cảnh đất nước vừa ra khỏi khủng hoảng KT-XH và tình trạng kém phát triển. Bên cạnh những động lực tinh thần, quyết tâm phát triển, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh mới tái lập, nhất là: Xuất phát điểm nền kinh tế thấp, chậm phát triển; cơ cấu kinh tế lạc hậu; hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém; thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách thấp; đời sống một số người dân còn nhiều khó khăn, nhất là vùng miền núi, đồng bào dân tộc; tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn ra thường xuyên; một số khó khăn nổi lên trong quá trình xây dựng và phát triển như: Việc dừng triển khai xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân, đại dịch COVID-19... đã tác động rất lớn đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh đã xác định: Lãnh đạo, chỉ đạo ổn định sớm bộ máy, cán bộ, ổn định tư tưởng; mặt khác, thực hiện tốt những nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng, an ninh và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình chia tách tỉnh.

Giai đoạn 1992-1996, với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng bộ tỉnh, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá và phát triển tương đối toàn diện, đi dần vào thế ổn định. Tổng sản phẩm xã hội trong tỉnh (GDP) bình quân hằng năm tăng 8,8% (mục tiêu là 7%), nâng thu nhập bình quân đầu người lên 2,25 triệu đồng. Văn hóa- xã hội từng bước chuyển biến tích cực; lĩnh vực giáo dục - đào tạo có nhiều đổi mới và đạt những kết quả đáng khích lệ. Hoạt động khoa học- công nghệ bước đầu ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật phục vụ các chương trình kinh tế, dân sinh. Hệ thống cơ sở vật chất ngành Y tế trong toàn tỉnh được nâng cấp. Quốc phòng - an ninh được tăng cường và củng cố, chính trị ổn định. Công tác xây dựng Đảng được chăm lo, hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố và kiện toàn từng bước.

Giai đoạn 1996-2000, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Ninh Thuận tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới và bước đầu tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực KT-XH và hoàn thành mục tiêu chủ yếu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra: Nền kinh tế tiếp tục phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, tạo thêm năng lực sản xuất mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 6,2%; GDP bình quân đầu người đạt 3,26 triệu đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 1995. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi đầu tư nhiều hơn trước, tạo được sự phát triển sản xuất và nâng cao dân trí. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, tình hình chính trị xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng được xác định là nhiệm vụ then chốt; khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng, tạo sự thống nhất về chính trị và đồng thuận trong Nhân dân.

Bước vào 10 năm đầu của thế kỷ XXI (2001-2010) trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, liên tiếp bị lũ lụt, hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống Nhân dân, nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chủ động xây dựng chương trình, dự án, phương thức vận động, kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH thiết yếu và nâng cao năng lực cho người dân để giảm nghèo bền vững. Chủ trương hợp tác phát triển với các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh một cách tích cực; đây là chặng đường đánh dấu bước thành công đầu tiên về hoạt động đối ngoại của tỉnh, từ đó mở ra nhiều hướng đi mới mang lại hiệu quả trên lĩnh vực hợp tác với nhiều đối tác trong nước và nước ngoài. Với những cách làm sáng tạo đó, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội X, XI của Đảng bộ tỉnh đã đề ra đều triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Gai đoạn 2001-2005, nền kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, GDP bình quân mỗi năm tăng 8,2%; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống; công nghiệp, dịch vụ tăng lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 11,7 triệu đồng. Diện mạo đô thị, điểm dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới khang trang, sạch đẹp. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từng bước đi vào chiều sâu.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư
thực hiện nghi thức khởi công Dự án Cap Padaran Mũi Dinh. Ảnh: V.Nỷ

Giai đoạn 2011-2020 là chặng đường Ninh Thuận tập trung nâng tầm vị thế, phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững. Với chủ trương sớm triển khai các dự án trọng điểm tạo tăng trưởng bứt phá, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (2011-2015) đã đề ra những lĩnh vực tập trung phát triển đó là: Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát triển du lịch và phát triển công nghiệp chế biến; phát triển mạnh các ngành dịch vụ tạo giá trị gia tăng cao, có tiềm năng và điều kiện phát triển dựa trên lợi thế của tỉnh... Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2016-2020), tiếp tục xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy truyền thống đoàn kết; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, kinh tế biển là động lực, phát triển KT-XH nhanh, bền vững, sớm thu hẹp khoảng cách thu nhập so với bình quân cả nước; bảo đảm quốc phòng- an ninh”. Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, nhiệm kỳ đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 10,2%/năm; GRDP bình quân đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015; thu ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, tăng bình quân 12,8%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn đạt 78.015 tỷ đồng, tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước. Kinh tế phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng; tiềm năng, lợi thế bước đầu được khai thác, gắn với đảm bảo môi trường. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đạt kết quả. Tiềm năng, lợi thế của tỉnh được nhận diện đầy đủ và khai thác hiệu quả hơn; các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch từng bước phát huy hiệu quả. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo được tích cực thực hiện, nhiều dự án hòa lưới điện quốc gia. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của Nhân dân được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được tập trung triển khai. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai quyết liệt và đạt kết quả khá toàn diện.

Để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định tập trung vào một số lĩnh vực đột phá nhằm tạo ra cơ chế thông thoáng, mở đường cho sự phát triển trên chặng đường tiếp theo; trọng điểm là các lĩnh vực: Năng lượng sạch, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, kinh tế đô thị; phấn đấu đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 10-11%/năm; kinh tế biển chiếm khoảng 41-42% GRDP của tỉnh. GRDP bình quân đầu người đạt 113-115 triệu đồng/người; cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, thủy sản chiếm 18-19%, công nghiệp - xây dựng chiếm 42-43%, dịch vụ chiếm 39-40%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 100-105 ngàn tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt 6.400-6.500 tỷ đồng, cân đối được chi thường xuyên của ngân sách tỉnh...

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen; song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, cùng với dòng chảy xuyên suốt trong tư duy và hành động của các thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ là sự chủ động, sáng tạo trong việc đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đi trước, mở đường cho sự phát triển, và với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh để tạo nên một Ninh Thuận có được vị thế như ngày hôm nay.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hệ thống Đập dâng Tân Mỹ ở (Bác Ái). Ảnh: Văn Nỷ

Nhờ đó, trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả, đem đến sức sống mới cho quê hương Ninh Thuận. Từ một tỉnh có xuất phát điểm nền KT-XH thấp, sau 30 năm tái lập, kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, phát triển vượt bậc, từ một tỉnh thuộc nhóm các tỉnh nghèo nhất, vươn lên thành một tỉnh phát triển trung bình, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP theo giá hiện hành) năm 2021 tăng gấp 69,6 lần so với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,14%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân khu vực miền Trung (8,05%) và cả nước sau 30 năm đổi mới; tăng trưởng giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước; nhất là giai đoạn 2011-2020 là tỉnh khẳng định, nâng tầm vị thế, phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững; với quan điểm biến cái bất lợi của tỉnh trở thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển, lấy chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là đột phá, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao, nhất là 3 năm qua mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của tỉnh thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người (GRDP) đạt 68,4 triệu đồng/người, gấp 49,9 lần so với năm 1992, rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn duy trì mức tăng cao, tăng từ 33,3 tỷ đồng năm 1992 lên 4.343 tỷ đồng vào năm 2021, bình quân tăng 19%. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 67,8 tỷ đồng năm 1992 lên 29.920 tỷ đồng năm 2021, bình quân tăng 24,3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từ nền kinh tế thuần nông, đến nay tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 15,8% năm 1992 lên 38,2% vào năm 2021; dịch vụ duy trì từ 29,4% lên 29,9%; ngành nông, lâm, thủy sản giảm từ 54,8% năm 1992 xuống còn 31,9% năm 2021.

Cơ sở hạ tầng khu vực Quảng trường (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) được đầu tư hiện đại. Ảnh: Văn Nỷ

Khi mới tái lập, tỉnh chỉ có 1 thị xã, 3 huyện, 52 đơn vị hành chính cấp xã; đến nay Ninh Thuận có 7 huyện, thành phố, trong đó Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã được công nhận đô thị loại 2; có 65 xã, phường, thị trấn, trong đó có 29/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 3 huyện, thành phố hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Từ một tỉnh có hạ tầng cơ sở yếu kém, đến nay Ninh Thuận đã có cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu phát triển; đang từng bước hình thành và trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước; các khu, cụm công nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư. Môi trường thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng, hấp dẫn, đã khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét.

Từ “điểm trắng” du lịch, đến nay du lịch của tỉnh từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Vườn quốc gia Núi Chúa được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Ninh Chữ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia đến năm 2045. Đây sẽ là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Cùng với thành tựu về kinh tế, chính sách chăm lo phát triển con người vẫn luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm với quan điểm “người dân vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của sự phát triển”. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình của cả nước; văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm nguồn lực đầu tư; văn hóa các dân tộc được bảo tồn, phát huy. Các chính sách cho người có công, chính sách an sinh ngày càng được hoàn thiện, được thực hiện tốt, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, với những người yếu thế, những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, không ngừng củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng bộ và chính quyền. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.