Nhiệm vụ đặc biệt của những người lính Công binh

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng trăm nghìn tấn bom đạn vẫn còn sót lại, rơi vãi khắp mọi miền đất nước, trong đó Ninh Thuận cũng đã từng là một chiến trường ác liệt nên không ngoại lệ. Xác định công tác rà, phá, xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, bảo đảm an toàn cuộc sống của Nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Là trách nhiệm của những người lính Công binh Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh.

Lực lượng Công binh di dời quả bom MK81 đến nơi hủy kích nổ.

Đây là một nhiệm vụ đặc biệt, khi làm việc phải tập trung cao độ, các động tác, thao tác phải tuyệt đối chuẩn xác, nếu sơ suất sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì vậy đòi hỏi người lính Công binh phải có bản lĩnh, tâm lý vững vàng, năng lực chuyên môn cao, đức tính cẩn thận, tỉ mỉ. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ rà phá, xử lý bom mìn, vật liệu nổ, Thiếu tá Phan Văn Ngát, Chủ nhiệm Công binh, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Lực lượng Công binh của Bộ CHQS tỉnh thường xuyên được huấn luyện, rèn luyện, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật, kỹ năng, khả năng xử lý các tình huống. Chú trọng việc nghiên cứu, nắm chắc tính năng, cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các loại bom, mìn; sử dụng thành thạo các trang thiết bị dò tìm, thành thạo các phương pháp xử lý. Việc huấn luyện được thực hiện với những mô hình học cụ, các bãi vật cản, vật liệu nổ sát với thực tế. Ngoài ra thường xuyên được giáo dục chính trị tư tưởng, trau dồi phẩm chất đạo đức, rèn luyện bản lĩnh, sự tự tin, tinh thần dũng cảm, gan dạ. Đại úy Trần Nguyễn Minh Hoài, Đại đội trưởng Đại đội Công binh Bộ CHQS tỉnh giãi bày: Không phải quả bom, mìn nào cũng còn nguyên vẹn như hình mẫu khi huấn luyện. Bị chôn vùi trong lòng đất mấy chục năm, nhiều trái bom, mìn đã biến dạng, các thông số kỹ thuật và ký hiệu cũng đã bị ăn mòn, rất khó nhận diện chủng loại; kíp nổ, ngòi nổ đều có thể hoạt động bất kỳ lúc nào. Do đó khi phát hiện bom, mìn, có nhiều cách xử lý nhưng để bảo đảm an toàn chúng tôi thường sử dụng hai cách là hủy chôn muối và hủy kích nổ, ít khi sử dụng việc tháo gỡ. Cũng chính từ khó khăn đó mà kinh nghiệm, bản lĩnh của người lính Công binh được nâng lên. Vì vậy đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công binh Bộ CHQS tỉnh làm nhiệm vụ đều thuần thục kỹ năng thao tác về dò, gỡ, xử lý bom mìn, sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Trong hai năm vừa qua, mặc dù dịch COVID-19 hoành hành nhiều công việc có thể bị đình trệ nhưng nhiệm vụ xử lý bom, mìn của những người lính công binh không thể trì hoãn. Lực lượng Công binh Bộ CHQS tỉnh đã xử lý an toàn 1 quả bom MK 83, 77 quả bom bi trên địa bàn huyện Ninh Hải; 15 quả bom bi trên địa bàn huyện Ninh Sơn; 2 đầu đạn M79 trên địa bàn huyện Thuận Bắc và hàng chục đầu đạn, mìn bộ binh các loại rải rác ở các địa phương. Đặc biệt, đầu tháng 9-2021, lực lượng công binh Bộ CHQS tỉnh đã di dời quả bom MK81 có trọng lượng 113 kg, dài 1, 25 m, đường kính 22,29 cm, khối lượng thuốc nổ 45,4 kg, bán kính sát thương 550 m tại xã Nhơn Hải (Ninh Hải) đến khu vực núi Đỏ, xã Phước Vinh (Ninh Phước), tiến hành hủy nổ thành công, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Được hỏi về cảm giác khi thực hiện nhiệm vụ rà phá, xử lý bom mìn, Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Đào Thanh Bình, Chiến sĩ thợ - Đại đội Công binh Bộ CHQS tỉnh, người có thâm niên 20 năm trong “nghề”, chia sẻ: Biết rằng đó là công việc đặc thù và vô cùng nguy hiểm, nhưng trước hết tuyệt đối không run sợ và không được lùi bước. Không phân tâm, tập trung cao độ, có chút căng thẳng nhưng phải luôn tỉnh táo, tuyệt đối chính xác và an toàn.

Thiếu tá Phan Văn Ngát, cho biết thêm: Ngày 25-3-2022 vừa qua HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Rà phá bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2 (2021-2025), thực hiện tại xã Xuân Hải (Ninh Hải). Những người lính Công binh đang tích cực triển khai thực hiện nghị quyết. Trong những ngày tháng Tư lịch sử hôm nay, quê hương, đất nước đã qua 47 năm hòa bình, thống nhất, nhưng những người lính Công binh vẫn âm thầm với việc làm sinh tử, xử lý bom, mìn góp phần ngăn chặn nỗi đau thời hậu chiến. Công việc của họ đã góp phần khắc phục hậu quả sau chiến tranh, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho Nhân dân yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.