Trường Chính trị tỉnh: 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển

Trường Chính trị tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ tỉnh ủy, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng và tham mưu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ của tỉnh, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ ngày đầu tái lập, tổng số viên chức chỉ có 13 người với 7 giảng viên, chưa có giảng viên có trình độ sau đại học. Đến nay, tổng số viên chức của trường 33/41 biên chế, với 22 giảng viên và giảng viên kiêm chức, trong đó có 1 giảng viên là tiến sĩ, 13 giảng viên là thạc sĩ, 16 giảng viên có trình độ lý luận chính trị cao, trung cấp, 1 giảng viên cao cấp và 3 giảng viên chính. Cơ sở vật chất của trường từ chỗ rất thiếu thốn, xuống cấp không đáp ứng nhu cầu hoạt động, thì nay đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đầu tư với tổng diện tích gần 19.000 m2, gồm các khu nhà chức năng với các trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng của trường.

Xác định rõ nhiệm vụ chính trị của trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tiễn; đã xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu của đội ngũ viên chức, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh.

Lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh tặng giấy khen cho các học viên có thành tích cao trong học tập
lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên. Ảnh: Ngọc Diệp

Kết quả qua 30 năm, Trường đã đào tạo 111 lớp trung cấp lý luận chính trị, với trên 8.630 học viên; phối hợp, liên kết với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường đại học, các trung tâm đào tạo 39 khóa về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị từ bậc cao học, đại học, cao cấp đến trung cấp chuyên môn; mở gần 800 lớp bồi dưỡng với hàng chục ngàn lượt học viên; thực hiện nghiêm quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; chú trọng thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo đúng quy chế của học viện.

Trường đã tổ chức thực hiện tốt các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp trong từng giai đoạn; nội dung giáo án giảng dạy luôn lồng ghép, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với thực tiễn địa phương. Xác định nhiệm vụ chính trị trong thực hiện Nghị quyết số 35 là “xây” là chính, là cơ bản và lâu dài, nên giảng viên Trường đã lồng ghép linh hoạt, phù hợp các nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao nhận thức tư tưởng cho học viên về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế và thao giảng, dự giờ phục vụ cho công tác dạy và học luôn được quan tâm lãnh đạo tổ chức thực hiện. Đến nay, Trường đã thực hiện 6 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh và tương đương, 19 đề tài khoa học cấp Trường đạt loại khá trở lên; tổ chức và tham gia nhiều hội thảo cấp bộ, ngành, khu vực và tỉnh. Nhiều viên chức tham gia các đề tài khoa học cấp tỉnh, viết bài đăng trên các tạp chí Trung ương, báo, tạp chí địa phương, tham gia cuộc thi viết chính luận khoa học; thực hiện các chuyên trang, chuyên mục trên Thông tin Lý luận và thực tiễn, trên wedsite của trường; có 13 lượt giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi cấp học viện, trong đó có 2 giảng viên đạt loại giỏi xuất sắc. Từ năm 1992 đến nay đã có 74 báo cáo thu hoạch nghiên cứu thực tế của tập thể, 68 báo cáo thu hoạch nghiên cứu thực tế của giảng viên, 91 báo cáo chuyên đề, giải pháp công tác khác và hàng ngàn bài viết thu hoạch của học viên đạt loại khá trở lên. Phong trào phát huy sáng kiến trong quản lý, dạy và học được chú trọng và đã có 4 sáng kiến cấp tỉnh, 52 sáng kiến cấp cơ sở.

Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trường đã xây dựng Dự thảo Đề án xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn trình Thường trực Tỉnh ủy theo quy định. Đồng thời, tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy, đề xuất đầu tư xây dựng cơ sở, trang thiết bị; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, quản lý tài chính, tài sản và giải quyết kịp thời các chế độ theo quy định.

Với những thành tích đạt được, trường đã được hội đồng thi đua các cấp ghi nhận và có nhiều hình thức khen thưởng, như: Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 3 cờ thi đua và nhiều bằng khen... nhiều lượt viên chức đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp cơ sở. Nổi bật có 1 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen...

30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, những bài học kinh nghiệm rút ra qua thực tiễn hoạt động của Trường là: Trong mọi hoạt động phải tranh thủ và bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sở, ngành, địa phương; thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, chăm lo xây dựng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ; xác định nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp trong từng giai đoạn. Thường xuyên cập nhật và nâng cao chất lượng giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho viên chức và học viên nhằm thống nhất quan điểm, củng cố nhận thức, vững vàng niềm tin, đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo trong hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ gắn với rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ viên chức, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thực hành dân chủ, tổ chức tốt các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện, nhân rộng các nhân tố tích cực, điển hình trong thực hiện nhiệm vụ chính trị...