Triển khai công tác quản lý hoạt động quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn tỉnh

Ngày 13-4-2022, UBND tỉnh ban hành văn bản số 1526/UBND-VXNV về việc triển khai công tác quản lý hoạt động quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn tỉnh. Nội dung của văn bản như sau:

Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng về quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo, quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh,... tạo sự hiểu lầm của người dân khi sử dụng các sản phẩm này. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý các vi phạm này nhưng tình hình vi phạm giảm không đáng kể. Để tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn tỉnh bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và đúng quy định theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và Công văn số 1504/BYT-ATTP ngày 25/03/2022 của Bộ Y tế về tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Các Sở, ban, ngành; đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan: Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm đối với hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP); công khai tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho người dân.

2. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tại địa phương tăng cường kiểm soát việc công bố/tự công bố sản phẩm, xác nhận quảng cáo đối với nhóm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt trên địa bàn quản lý. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Phối hợp các Sở, ngành và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động quảng cáo các sản phẩm TPBVSK, kịp thời cảnh báo cho người dân các thông tin về các sản phẩm được quảng cáo trên địa bàn. Tăng cường lấy bán trên thị trường gửi kiểm nghiệm các chi tiêu chất lượng và an toàn nhằm phát hiện sớm các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, sản phẩm có chất lượng không đúng với nội dung trên bản đăng ký công bố để kịp thời cảnh báo cho người dân.

. Tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; chỉ cho phép quảng cáo khi sản phẩm đã được thẩm định và xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định. Thường xuyên tuyên truyền cảnh báo người tiêu dùng không tham gia vào các clip, video quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh; không đặt mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo qua hệ thống online trực tuyến, các trang mạng không rõ nguồn gốc.

3. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo TPBVSK trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm TPBVSK. Có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các Công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức quản lý có hiệu quả hoạt động quảng cáo thực phẩm TPBVSK trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiên quyết xử lý đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo sản phẩm có công dụng không phù hợp với công bố, quảng cáo TPBVSK có công dụng như thuốc chữa bệnh gây hiểu nhầm cho người dân, nội dung quảng cáo không phù hợp với các tài liệu đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định; sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan kiểm tra giám sát hoạt động quảng cáo TPBVSK; Tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng trên địa bàn toàn tỉnh.

6. Thanh tra tỉnh Tăng cường phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động quảng cáo TPBVSK trên địa bàn.

7. Công an tỉnh Phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương và địa phương liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có hành vi lừa dối người tiêu dùng.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư Tăng cường quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo TPBVSK.

9. Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phát hành quảng cáo các sản phẩm TPBVSK khi đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã xác nhận; thường xuyên thực hiện các phóng sự, chuyên mục, chuyên trang có nội dung cảnh báo người tiêu dùng trong việc mua và sử dụng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như công dụng điều trị bệnh nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Chỉ đạo các phòng, ban liên quan giám sát chặt chẽ các chương trình quảng cáo, giới thiệu và bán sản phẩm thực phẩm tại địa phương, chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động quảng cáo khi có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về nội dung quảng cáo đối với sản phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào nội dung chỉ đạo tại văn bản này, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh để tổng hợp báo cáo theo quy định.