Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thượng tướng Võ Minh Lượng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: U.Thu
Báo cáo với Thủ tướng và Đoàn công tác, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Thực hiện nhiệm vụ năm 2021 trong bối cảnh khó khăn, nhất là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nhưng với tinh thần chủ động, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình KT-XH của tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng khá: GRDP tăng 9%, đứng thứ tư cả nước. Sản xuất nông nghiệp tăng 5,98%, thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp tăng 24,6%, đứng đầu cả nước; trong đó năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng 59,8%, đóng góp 6,84% tăng trưởng GRDP của tỉnh. Thương hiệu tôm giống tiếp tục phát huy hiệu quả, đã xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” và trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước, với sản lượng trên 40 tỷ post/năm, chiếm 30% tổng nhu cầu tôm giống cả nước. Huy động nguồn lực đạt kết quả tích cực, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 29.920 tỷ đồng, vượt 12,9% so kế hoạch. Nhiều dự án động lực quy mô lớn được đẩy nhanh tiến độ như: Bến cảng Cà Ná, nhiều dự án năng lượng tái tạo, Dự án du lịch Sunbay Park Hotel & Resort, Khách sạn Hoàn Mỹ... Kết quả giải ngân vốn đầu tư công có nhiều chuyển biến tích cực, đạt 92,4% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.338 tỷ đồng, đạt 139% so với dự toán.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc. Ành: Văn Nỷ
Trong quý I-2022, tình hình hình KT-XH tiếp tục duy trì ổn định, có bước phục hồi, GRDP tăng 4,18%. Trong đó, sản xuất nông nghiệp tăng 6,24%; sản xuất công nghiệp tăng 5,3%. Các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch phục hồi rõ nét. Hoạt động doanh nghiệp từng bước được phục hồi, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển KT-XH. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 939 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được quan tâm, tăng cường. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đẩy mạnh. Các chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo với tinh thần đổi mới, chủ động, sâu sát, quyết liệt hơn.
Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng tạo đột phá phát triển KT-XH. Đã triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước: Đến cuối năm 2021 đã hòa lưới 32 dự án/2.256 MW; đưa vào vận hành đồng bộ Nhà máy Điện mặt trời công suất 450 MW, trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV, qua đó giải tỏa 1.800 MW, đến cuối năm 2020 cơ bản khắc phục tình trạng giảm phát các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Hiện đang tập trung hoàn thành Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất 1.500 MW. Ngoài ra, đã hoàn thành Dự án hồ Tân Mỹ với dung tích 219 triệu m3; hoàn thành cụm công trình cửa xả (giai đoạn 1) Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái với công suất 1.200 MW, đảm bảo tiến độ tích nước hồ chứa Sông Cái thuộc Dự án Thủy lợi Tân Mỹ, công trình chính dự kiến khởi công vào quý I-2022 đảm bảo phát điện tổ máy 1 vào tháng 12-2026 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2028; hoàn thành bến 1A tiếp nhận tàu 100.000 tấn trong Dự án Cảng tổng hợp Cà Ná, dự kiến đưa vào khai thác từ quý II-2022. Các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết số 115 cũng được tỉnh quan tâm thực hiện tốt.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ
Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh thời gian tới là triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch phục hồi, phát triển KT-XH, trong đó tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, đột phá. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn đổi mới mô hình tăng trưởng; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát các cơ chế tạo động lực phát triển trên các lĩnh vực để kiến nghị và tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, phấn đấu đứng trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa - xã hội, chăm lo cải thiện đời sống Nhân dân. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ: Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm đầu tư hoàn thành đường dây 500 kV Ninh Sơn - Chơn Thành. Xem xét, chỉ đạo nghiên cứu bổ sung các nguồn năng lượng: Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 2, thủy điện tích năng, điện gió, điện mặt trời vào Quy hoạch điện VIII với công suất phù hợp để tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Sớm phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Hạ tầng Khu công nghiệp Cà Ná để tỉnh có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Cho phép tỉnh được áp dụng tỷ lệ vay lại 10% đối với một số dự án quan trọng, cấp bách sử dụng vốn nước ngoài. Xem xét, đồng ý bổ sung khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh vào Quy hoạch Khu kinh tế ven biển của cả nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bổ sung quy hoạch Sân bay quân sự Thành Sơn thành sân bay quân sự kết hợp với dân dụng và đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay dân dụng toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương kết quả phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của tỉnh trong thời gian qua; nhất trí định hướng, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển trong năm 2022. Thủ tướng cho rằng việc thực hiện nhiệm vụ phát triển sẽ có nhiều cơ hội, thuận lợi, khó khăn đan xen; xác định khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhất là áp lực lạm phát, tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, xăng dầu, biến đổi khí hậu..., tỉnh cần chuẩn bị vững vàng tâm thế, sức lực, nhận thức, linh hoạt, sáng tạo, tự tin, bình tĩnh, không cầu toàn, nóng vội để thích ứng với mọi tình huống, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cần có tư duy đột phá, đổi mới mang tầm chiến lược; đồng thời, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, tạo cảm hứng mới, không gian mới, cơ hội mới để phát triển nhanh và bền vững. Luôn bám sát tình hình thực tế, xử lý công việc trên nguyên tắc chung nhưng phải linh hoạt phù hợp với thực tiễn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Văn Nỷ
Trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, tỉnh cần xác định rõ ràng những nhiệm vụ, công việc trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tránh đầu tư dàn trải dẫn đến lãng phí nguồn lực. Phát triển kinh tế phải hài hòa, hợp lý với phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Mạnh dạn phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ, đầu tư nâng cao năng lực nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nâng cao sức cạnh tranh. Tăng cường kiểm tra, giám sát; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề quan trọng trong phát triển KT-XH: Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; tập trung phát triển những ngành trụ cột: năng lượng tái tạo, dịch vụ du lịch, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hóa chất; khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển. Trong phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng khai thác hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm. Sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, đẩy nhanh hiệu quả đầu tư công. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát dịch COVID-19, xác định “vắc xin là vũ khí chiến lược”; trước mắt tổ chức tốt tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi...
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với địa phương tiếp tục nghiên cứu, sớm có báo cáo trình Thủ tướng, Chính phủ có cơ sở giải quyết.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng, Đoàn công tác đã dành thời gian về thăm và làm việc với tỉnh; cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu sâu sắc chỉ đạo của Thủ tướng, ý kiến đóng góp của các đại biểu trong Đoàn công tác; tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực, phấn đấu, tập trung thực hiện hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc; đồng thời mong muốn Trung ương quan tâm, hỗ trợ hơn nữa giúp tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển đã đề ra.
Uyên Thu