Ảnh: Chinhphu.vn
Ngày 30/5, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị Công bố kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo 2010 và Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020.
Việc tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc được thực hiện theo Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tổ chức điều tra trên địa bàn. Đến 30/11/2010, các tỉnh, thành phố đã báo cáo kết quả.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, các địa phương đã tổ chức thực hiện khá nghiêm túc, khắc phục được bệnh thành tích, phản ánh đúng thực trạng nghèo trên địa bàn, hạn chế được tình trạng “xin vào hộ nghèo” như trong thời gian qua.
5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%
Theo kết quả điều tra, cả nước hiện có 3.055.566 hộ nghèo, 1.612.381 hộ cận nghèo. Trong đó, khu vực Đông Bắc chiếm 19,03%, Tây Bắc 7,74%, Đồng bằng Sông Hồng 13,41%, Khu 4 cũ 18,92%, Duyên hải Miền Trung 10,91%, Tây Nguyên 8,6%, Đông Nam Bộ 2,55%, Đồng bằng sông Cửu Long 18,85%.
5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% là Tp Hồ Chí Minh (0,01%), Bình Dương (0,05%), Đồng Nai (1,45%), Bà Rịa Vũng Tàu (4,35%), Hà Nội (4,97%). Đây là những địa phương đã ban hành chuẩn nghèo riêng, cao hơn chuẩn nghèo quốc gia.
Cả nước có 81 huyện thuộc 25 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, trong đó bao gồm 54 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.
Để quản lý và đánh giá đúng thực trạng nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê sẽ công bố tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và từng địa phương, làm cơ sở hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và phân bổ nguồn lực từ ngân sách trung ương cho các địa phương.
Phấn đấu tăng 3,5 lần thu nhập hộ nghèo
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, những định hướng chính được đưa ra trong Nghị quyết 80 gồm thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung và các chính sách đặc thù.
Các chính sách giảm nghèo sẽ được các Bộ, ngành rà soát và đưa vào hệ thống chính sách thường xuyên để đảm bảo các hỗ trợ cần thiết, đáp ứng đúng nhu cầu của người nghèo.
Đồng thời, xây dựng và thực hiện một Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2015, bao gồm các đề án, dự án giảm nghèo, hệ thống tiêu chí đánh giá công tác giảm nghèo quốc gia và tập trung nguồn lực cho các huyện nghèo, xã nghèo.
Mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2020 là thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng lên 3,5 lần, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn.
Đánh giá về Nghị quyết 80, Phó đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Christophe Bahuet cho rằng, Nghị quyết đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ huy động các nguồn lực đầu tư một cách hiệu quả cho các huyện, xã, thôn bản nghèo nhất. Nghị quyết đã chuyển dần hướng đi của các chương trình, chính sách giảm nghèo riêng lẻ sang một hệ thống chính sách giảm nghèo mang tính thường xuyên, toàn diện.
Ông Christophe Bahuet cho rằng, khi đưa chương trình giảm nghèo thành công việc thường xuyên cần có sự nỗ lực từ các cơ quan trung ương để rà soát, đánh giá đúng thực trạng các chính sách. Bên cạnh đó, cần thí điểm áp dụng các mô hình đã được quốc tế đánh giá là hiệu quả trong công tác giảm nghèo như hỗ trợ trọn gói và chuyển giao tiền mặt trực tiếp cho người nghèo.
Nguồn www.chinhphu.vn