Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2022

Ngày 4-4-2022, đồng chí Pham Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đao cải cách tư pháp tỉnh ký ban hành Chương trình số 02-CTr/BCĐ của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp về trọng tâm cải cách tư pháp năm 2022 của tỉnh ta.

Nội dung Chương trình như sau:

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp và căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh ban hành Chương trình trọng tâm năm 2022, như sau:

1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác cải cách tư pháp; trọng tâm là thực hiện Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW; Nghị quyết số 96/2019/QH19, ngày 27/11/2013 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và Công tác thi hành án; Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý vụ án, vụ việc (gọi tắt là Chỉ thị số 26-CT/TW); Hướng dẫn số 04-HD/TW, ngày 09/12/2020 của Ban Bí thư về thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW; Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới; Kết luận số 83 KL/TW của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 73-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 399-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực tư pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; Kết luận số 69 KL/TW của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của luật sư; triển khai kịp thời các đạo luật liên quan đến công tác tư pháp trong năm 2022.

- Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân, Ban Nội chính Tỉnh tủy, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống Chính trị, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ quan tư pháp.

- Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng ủy các cơ quan tư pháp, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy thực hiện.

3. Các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố và các vi phạm pháp luật khác, làm tốt công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp; xử lý, giải quyết kịp thời các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tiếp tục tổ chức thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96/2014/NQ-QH14, ngày 27/11/2013 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án dân sự; thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; phối hợp rà soát, đánh giá các quy chế đã phối hợp để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới phù hợp tình hình thực tế của các cơ quan đơn vị. Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đổi mới thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp; đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

- Công an tỉnh chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác điều tra, nhất là điều tra về tội phạm tham nhũng, ma túy, tội phạm công nghệ cao và các loại tội phạm có diễn biến phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác bắt, vận động đối tượng truy nã. Tiếp tục nâng cao công tác kỹ thuật hình sự phục vụ công tác điều tra tội phạm; công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, quản lý giam giữ đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực của lực lượng Công an xã trên toàn tỉnh trong công tác tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm tại địa bàn cơ sở.

- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; phối hợp với các cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân cùng cấp nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP, ngày 01/6/2020 về phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; phối hợp tiếp nhận quản lý, xử lý tố giác tin báo về tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và các quy chế phối hợp liên ngành với các cơ quan nội chính để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo quy định; xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm đột phá trong năm 2022.

- Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết xét xử các vụ án hình sự, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng điều hành phiên tòa của Hội đồng xét xử; bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/2018/CT-CA ngày 05/12/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hành chính, hạn chế thấp nhất việc để án quá hạn không đúng quy định của pháp luật; nâng cao tỷ lệ đối thoại thành, hòa giải thành các vụ việc dân sự, các khiếu kiện hành chính; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án; hạn chế thấp nhất tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Phối hợp với UBND tỉnh xây dựng Đề án đối thoại trực tuyến trong việc giải quyết các vụ án hành chính; rà soát đánh giá Quy chế phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trong giải quyết án hành chính để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp, chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan triển khai xây dựng mô hình Tòa án điện tử đảm bảo đúng theo lộ trình và quy định.

- Cục Thi hành án dân sự tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác xác minh, phân loại án có điều kiện, chưa có điều kiện để tổ chức thi hành án đạt hiệu quả; tăng cường phối hợp với UBND cùng cấp và các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài; khắc phục tình trạng chậm thi hành án, vi phạm trình tự, thủ tục trong thi hành án dân sự.

- Sở Tư pháp tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các đạo luật liên quan đến công tác tư pháp được Quốc hội mới được thông qua; rà soát tiếp tục tham mưu thực hiện cải cách hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp và thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các tổ chức bổ trợ tư pháp; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, giám định, đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý,...). Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo các tổ chức bổ trợ tư pháp thực hiện đúng quy định.

- Đảng ủy các cơ quan tư pháp thực hiện.

4. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng cán bộ, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên phải thật sự liêm chính, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, thành thạo kỹ năng, nắm vững chủ trương, chính sách của đảng, đủ phẩm chất năng lực, uy tín, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ bổ trợ tư pháp (luật sư, giám định viên, công chứng viên, trợ giúp viên pháp lý...), công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã theo chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Công văn số 1604-CV/TU, ngày 20/10/2021 về kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng công chức Tư pháp - Hộ tịch xã đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; các Ban cán sự Đảng, Đảng ủy các cơ quan tư pháp; các huyện, thành ủy, đảng ủy thực hiện.

5. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền. Quan tâm bổ sung, hỗ trợ kinh phí, bảo đảm các điều kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp, đáp ứng yêu cầu CCTP trong tình hình mới. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp với Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh trong giải quyết án hành chính.

- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; các huyện, thành ủy chỉ đạo thực hiện.

6. Tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đối với tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, trọng tâm là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kháng cáo, kháng nghị, việc giải quyết các vụ án có dấu hiệu oan, sai, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp; tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan tư pháp. Tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tư pháp.

- Đảng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đảng đoàn HĐND tỉnh; Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tinh thực hiện.

7. Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân với nội dung và các hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn và công tác phòng chống dịch Covid-19. Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh, tăng thời lượng mở chuyên trang, chuyên mục.

- Ban Nội chính Tinh ủy, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh thực hiện.

Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2443/QĐ-UBND, ngày 25/12/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Đề án “Đề cao trách nhiệm và từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”.

- Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Hội Luật gia tỉnh và các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp thực hiện.

8. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, từng thành viên Ban chỉ đạo và Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh. Các thành viên Ban chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia góp ý, xây dựng pháp luật.

- Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, lãnh đạo các cơ quan tư pháp, Ban Nội chính Tỉnh ủy thực hiện.

Chủ trì giám sát việc thực hiện quy chế làm việc, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực... đối với cấp ủy một số cơ quan tư pháp. Kịp thời củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh và Tổ thư ký giúp việc đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

- Ban Nội chính Tinh ủy chủ trì, phối hợp tham mưu thực hiện.

Căn cứ vào các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, các cơ quan chủ trì thực hiện các công việc; các ban cán sự đảng, đảng đoàn, cấp ủy, chính quyền liên quan chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Định kỳ quý I, 6 tháng, 9 tháng, năm báo cáo kết quả về cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh (qua Ban Nội chính Tỉnh ủy).

Các đồng chí Thành viên Ban chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên và trách nhiệm được Ban chỉ đạo phân công, chỉ đạo hoặc báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để thực hiện có kết quả.

Giao Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp theo dõi, đôn đốc và thường xuyên báo cáo kết quả tiến độ thực hiện cho Ban Chỉ đạo.