Giá cả tiêu dùng trên địa bàn tỉnh liệu đã “hạ nhiệt”?

(NTO) Sau một thời gian “chộn rộn” với giá cả hàng hóa tăng theo tốc độ “phi mã” trên địa bàn tỉnh thì đến tháng 5-2011 có thể nói gần như “ngựa” đã được “ghìm cương” chạy chậm lại. Theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tỉnh tháng 5 tăng 1,88%, giảm 1,61% so với chỉ số tăng của tháng trước. Trong đó, chỉ số nhóm hàng hóa tăng 2,23% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 2,19%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm tăng 2,29%) và chỉ số nhóm dịch vụ tăng 0,90%. Đáng nói là khu vực nông thôn tuy đã được kéo giảm nhưng vẫn còn tăng ở mức 1,90%, cao hơn so với con số 1,84% ở khu vực thành thị . Như vậy, so với cùng kỳ năm 2010, CPI đã tăng đến 21%; so với tháng 12 năm 2010 (tức là sau 5 tháng) chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 11,91% và bình quân 5 tháng đầu năm 2011 so với 5 tháng đầu năm 2010 tăng 15,66%!

Cụ thể diễn biến giá cả tiêu dùng của một số nhóm mặt hàng chính trong tháng 5-2011 so với tháng trước như sau:

Chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,15%. Trong đó, giá lương thực giảm 0,06% do đã thu hoạch vụ đông-xuân nên giá gạo tẻ thường tại địa phương giảm nhẹ so với tháng trước; giá thực phẩm tăng 3,20% do ảnh hưởng các chi phí đầu vào tăng cao của tháng trước, cộng thêm tâm lý “tát nước theo mưa” của nhiều cửa hàng đã làm cho giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm tăng cao. Đơn cử như: giá thịt heo tăng 10,51%; thịt bò tăng 8,16%; thịt gia cầm tăng 1,16%; giá các loại thịt chế biến tăng 4,79%; giá các loại trứng tăng 2,95%; dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 7,15%; đồ gia vị tăng 0,24%, đặc biệt là giá tiêu tăng cao nhất từ trước tới nay và tăng 27% so với tháng trước.

Nhóm nhà ở và vật liệu liệu xây dựng tiếp tục tăng cao và tăng 4,05%. Đây là nhóm có mức tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng do nguyên liệu đầu vào tăng cộng với nhu cầu cao do vào mùa xây dựng nên đã làm cho giá vật liệu xây dựng tăng 1,58% so với tháng trước. Chỉ số giá điện và dịch vụ điện tăng 5,21% do nhu cầu sử dụng nhiều vào mùa nắng nóng; giá gas tăng 8,49% do công ty gas điều chỉnh tăng 30.000 đ/bình 12kg. Chỉ số nhóm giao thông tăng 2,66%, chủ yếu là do giá phụ tùng xe tăng 3,87%; giá nhiên liệu tăng 4,7%; giá vé tàu hỏa tăng 11,98%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,91% do tháng 5 có nhiều ngày lễ hội và thời gian nghỉ lễ kéo dài nên nhu cầu đi du lịch trọn gói tăng cao làm cho giá các tua du lịch trong nước tăng 7,12%; giá khách sạn - nhà trọ tăng 1,35%%.

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG, CHỈ SỐ GIÁ VÀNG VÀ ĐÔ LA MỸ
TOÀN TỈNH (Tháng 05/2011)

Nhóm may mặc tăng 0,17%, chủ yếu là đồ may sẵn tăng do ảnh hưởng nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển tăng; Nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,59% chủ yếu là giá đồ dùng trong gia đình tăng; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,51% chủ yếu là thuốc và dịch vụ khám sức khoẻ tăng; Nhóm giáo dục tăng 0,28%; Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,96% chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 13,57%. giá dịch vụ vệ sinh môi trường 14,67%. Các nhóm còn lại như đồ uống và thuốc lá; bưu chính - viễn thông vẫn ổn định và giảm nhẹ.

Chỉ số giá vàng tăng 1,63% trong khi chỉ số giá đô la Mỹ giảm 1,41%.

Từ thực tế nêu trên, theo nhận xét của các nhà chuyên môn, đà tăng CPI của tháng 5 có chậm lại và đây được xem là kết quả bước đầu của những giải pháp được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan bởi lẽ CPI của tháng 5 mặc dù có “hạ nhiệt” nhưng vẫn còn ở mức cao so với cùng thời gian của các năm trước đây.

Theo dự báo, trong tháng 6 tới giá cả tiêu dùng trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng có khả năng sẽ tiếp tục giảm thấp dưới một chữ số so với tháng 5. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ các ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.