(NTO) Vùng biển xã Thanh Hải (Ninh Hải) trong những tháng vừa qua đã luôn bị khuấy động bởi tiếng nổ của những quả mìn tự tạo. Đứng từ bến cá Mỹ Tân nhìn ra, người ta có thể thấy rõ những cột nước dựng lên sau mỗi lần nổ. Anh Lê Thành Nhựt, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Hải bức xúc nói: “Tình trạng đánh bắt cá bằng chất nổ diễn ra công khai nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có cách nào ngăn chặn được”.
Bến cá Mỹ Tân vào mùa khai thác vụ cá Nam.
Theo các ngư dân ở bến cá Mỹ Tân, những ngày gần đây cường độ đánh chất nổ càng tăng lên, cứ vào tầm 4 giờ 30 chiều là các tàu xuất hiện và hễ phát hiện có đàn cá là thản nhiên ném mìn tự tạo xuống không một chút ngần ngại, sợ sệt. Hoạt động đánh chất nổ diễn ra ở vùng lộng rất gần bờ, có lúc chỉ cách bờ hơn 200 mét. Khi có tàu Kiểm ngư xuất hiện, các tàu trên thả lưới nghề như các tàu bình thường nhưng tàu Kiểm ngư vừa khuất là đâu lại vào đó. Đôi lúc ở đầu này có tàu Kiểm ngư đang đậu thì đầu khác các tàu vẫn ung dung đánh chất nổ đầy thách thức. Để đối phó lực lượng tuần tra trên biển, các tàu còn dùng thủ đoạn kết hợp, tàu sử dụng chất nổ xong bỏ chạy, phi tang mọi dấu vết, một chiếc tàu khác sẽ đến thả lưới mùng vớt toàn bộ cá vừa đánh bắt được. Dù lên án hành vi trên nhưng hầu hết các chủ tàu cá đều từ chối chở lực lượng Bộ đội Biên phòng địa phương ra truy bắt vì sợ các đối tượng đánh chất nổ trả thù.
Ông Nguyễn Diêm, chủ một tàu cá làm nghề pha xúc cho biết: “Nhiều lần tàu tôi đang pha đèn, đã gom được đàn cá vào luồng sáng chuẩn bị kéo lưới thì bị tàu đánh chất nổ đến tranh mất, thấy họ cứ huơ huơ mìn trên tay chực ném, không tàu nào ở Thanh Hải dám chống lại. Chứng kiến cách khai thác của họ không khỏi thấy xót xa bởi cá lớn, cá bé đều bị tận diệt nhưng không phải tất cả đều được vớt lên hết, một phần số cá chết không vớt kịp đã chìm xuống dưới đáy”. Việc đánh chất nổ không chỉ đe dọa các nghề lưới mà cả nghề lặn bắt cá, thậm chí các dàn nghề lưới đăng cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. Ông Phạm Ỷ, Phó Trưởng ban Vạn lạch Mỹ Tân, có 2 chiếc tàu cá (150 CV và 250 CV) hành nghề pha xúc và lưới mùng, đã tỏ ra rất bất bình: “Vào kỳ khai thác cá rộ, mỗi ngày có tới hàng trăm tiếng nổ, trung bình mỗi mẻ lưới đánh từ 3 đến 4 quả, mỗi quả chí ít phải trên 5 lạng thuốc nổ. Ngư dân Thanh Hải không ai làm chuyện này và đều biết rõ đối tượng đánh cá bằng chất nổ đến từ Ninh Chử (Khánh Hải) với khoảng 50 chiếc thuyền loại công suất từ 90 CV trở lên nhưng không ai dám nói. Năm ngoái đã có một số đối tượng bị bắt nhưng với mức xử phạt hành chính vài triệu đồng chẳng hề hấn gì. Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng cần phải có biện pháp bắt giữ và xử lý thật nghiêm theo pháp luật để răn đe và làm rõ nguồn thuốc nổ này là từ đâu ra để quản lý tận gốc”.
Thanh Hải có tổng số trên 320 tàu cá, trong đó có gần 160 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên làm nghề pha xúc, lưới mùng chuyên đánh bắt cá cơm. Hiện tượng khai thác hải sản bằng chất nổ thực ra đã có từ 4-5 năm qua nhưng chỉ rải rác chứ không rầm rộ như năm nay. Theo anh Lê Thành Nhựt, do tác hại của chất nổ, sản lượng khai thác cá cơm từ đầu năm đến nay đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân cá cơm thường sống áp rạn bị sức ép của chất nổ đã dịch chuyển ra ngư trường khác. Thiếu nguyên liệu cá cơm, 20 cơ sở chế biến cá hấp tại địa phương (có gần 900 lao động) gặp khó khăn trong sản xuất, người lao động sẽ không có việc làm. Đáng lo là nguy cơ tàn phá rạn san hô, hủy diệt nguồn lợi thủy sản và gây ô nhiễm môi trường vùng biển ven bờ. Trước thực trạng này, chính quyền xã Thanh Hải đã nhiều lần báo cáo ngành chức năng và đã có chương trình phối hợp thông tin với Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để các tàu đánh chất nổ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS nói: “Hiện nay Chi cục đang tham mưu cho sở, UBND tỉnh ra chỉ thị về tăng cường công tác BVNLTS, củng cố lại Ban chỉ đạo tỉnh để có sự phối hợp đồng bộ hơn giữa các lực lượng công an, quân sự, bộ đội Biên phòng với các huyện, thành phố có biển và các xã, phường trọng điểm nghề cá. Mặt khác, không thể chỉ tuyên truyền, vận động suông mà cần phải xử lý thích đáng, có tính răn đe, đặc biệt là phải quản lý từ gốc việc mua bán thuốc nổ trái phép. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng quản lý vật liệu nổ, các công trường, đơn vị khai thác đá cũng phải nhập cuộc”. Theo chúng tôi, đó mới chính là biện pháp căn cơ để ngăn chặn triệt để tình trạng đánh bắt thủy sản bằng chất nổ.
Vân Tuyền