Tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh

(NTO) Trước thực trạng chung của nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Ngân hàng trong năm 2011 là rất nặng nề. Hơn nữa, bài toán lãi suất huy động vượt trần của các ngân hàng thương mại trên khắp cả nước thời gian qua cũng là một trong những thách thức mà ngành phải đối mặt. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh.

- Phóng viên: Với vai trò là nhà quản lý, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện Chỉ thị 01/CT- NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát trên địa bàn tỉnh

- Ông Lê Văn Cương: Ngay sau khi có Chỉ thị 01/CT-NHNN, chi nhành NHNN tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức Tín dụng (TCTD) trên địa bàn vào cuộc nghiêm túc, đồng bộ và quyết liệt qua việc tổ chức hội nghị quán triệt tinh thần Nghị quyết 11 và Chỉ thị 01; xây dựng Đề án tổ chức thực hiện các giải pháp tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011 trên địa bàn tỉnh. Về phía các TCTD, từng đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể phù hợp với đặc điểm của đơn vị mình để thực hiện nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu chung đề ra. Đó là thị trường tiền tệ trên địa bàn ổn định, hoạt động ngân hàng bảo đảm an toàn, hiệu quả, tăng trưởng tín dụng tối đa không quá 25% với lãi suất hợp lý trên cơ sở tiết kiệm chi phí. Cơ cấu tín dụng theo đúng chỉ đạo của NHNN là tập trung ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh, khu vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất (đến 30/6/2011 xuống còn 21% và đến 31/12/2011 xuống tối đa là 16% so với tổng dư nợ) và chuyển dịch cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng tín dụng; Thực hiện nghiêm túc các quy định lãi suất, về cho vay ngoại tệ và hoạt động ngoại hối.

- Phóng viên: Trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đang diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng đã, đang và sẽ gặp phải những khó khăn gì khi vừa đảm bảo lợi nhuận kinh doanh vừa thực hiện các biện pháp kiểm soát lạm phát?

- Ông Lê Văn Cương: Như chúng ta đã biết, lạm phát tăng cao trong năm 2010 và nhất là các tháng đầu năm 2011 đã tạo ra những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế nói chung và hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng. Năm 2011 cũng là năm Luật các tổ chức tín dụng mới bắt đầu có hiệu lực. Luật quy định những thay đổi quan trọng liên quan đến nhiều hoạt động của các ngân hàng như công tác tổ chức, quản trị, điều hành, giới hạn cấp tín dụng, hoạt động đầu tư…Việc áp dụng các quy định mới là thách thức đối với các ngân hàng để vừa đáp ứng quy định của pháp luật đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, hiệu quả.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng đầu tư & Phát triển Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên

- Phóng viên: Cụ thể những thách thức đó là gì, thưa ông?

- Ông Lê Văn Cương: Về công tác huy động vốn, trong bối cảnh lạm phát không ngừng tăng cao, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 03/3/2011 (lãi suất huy động không vượt quá 14% sau khi đã bao gồm tất cả các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức với phương thức trả lãi cuối kỳ). Vì thế, rất khó khăn cho các NH trong thu hút nguồn vốn huy động tại chỗ, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn. Từ khó khăn trong huy động vốn tại chỗ, để đáp ứng nhu cầu vốn, các NHNN trên địa bàn phải tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương với mức phí sử dụng vốn cao (15,5%- 16,5%/năm). Nên việc thực hiện giảm dần lãi suất cho vay là rất khó, chủ yếu là dựa vào việc tiết kiệm chi phí của các ngân hàng.

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu có xu hướng gia tăng về số tuyệt đối và tăng mạnh ở các nhóm có nguy cơ cao (nhóm 4, 5) nhất là đối với các doanh nghiệp xây lắp vay vốn ngân hàng thi công các công trình trọng điểm năm 2010 của tỉnh nhưng hiện chưa được thanh toán.

Về hoạt động ngoại tệ trên địa bàn, nguồn ngoại tệ chủ yếu của các ngân hàng là mua lại từ nguồn kiều hối trong dân nhưng không nhiều và chỉ chiếm khoảng 40% lượng ngoại tệ kiều hối (mặc dù các Ngân hàng áp dụng giá mua bằng giá trần cho phép), không đủ đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các hoạt động được phép của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, trong khi nguồn ngoại tệ từ các dự án đầu tư về tỉnh bán cho ngân hàng trên địa bàn hầu như không có.

- Phóng viên: Vậy NHNN đã có những biện pháp gì để vượt qua giai đoạn này?

- Ông Lê Văn Cương: Để thực hiện tốt mục tiêu góp phần kiềm chế lạm phát và đảm bảo các TCTD trên địa bàn tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Thực thiện tốt công tác thông tin tuyên truyền một cách sâu rộng các cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của NHNN về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

- Chi nhánh NHNN tỉnh tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các NHTM và nâng cao chất lượng phân tích, dự báo.

- Bản thân từng TCTD chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Ngân hàng Nhà nước; áp dụng các chuẩn mực về quản trị trong các tổ chức tín dụng; nâng cao năng lực quản trị, điều hành; thực hiện tốt văn hoá doanh nghiệp trong từng đơn vị; nêu cao ý thức cộng đồng; văn minh thương mại và kinh doanh dịch vụ.

- Về huy động vốn, các TCTD đẩy mạnh các biện pháp khai thác tối đa nguồn vốn tại chỗ với các hình thức phong phú, lãi suất huy động tuân thủ nghiêm túc theo chỉ đạo của NHNN.

- Trong đầu tư tín dụng, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất để tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trước mắt, tích cực tham mưu UBND tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất-kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp xây lắp vay vốn ngân hàng thi công các công trình trọng điểm của tỉnh nhưng hiện chưa được thanh toán.

- Phát triển mạnh mẽ các dịch vụ, tiện ích ngân hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định về cho vay ngoại tệ và hoạt động ngoại hối, kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh vàng và ngoại tệ trái pháp luật.

- Phóng viên: Xin cám ơn ông!

 




  

 
  • Kiều thị Tám
    Hình ảnh quá đẹp,chuẩn, không biến dạng.Tiếc là nội dung phỏng vấn còn quá chung chung.. Tôi nghĩ cần xoáy sâu một vấn đề, ví dụ: Vay vốn cho người nghèo!!<br />
    thitam09@gmail.com