Theo đó, Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Một phòng học công nghệ 4.0. Ảnh: TTXVN
Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), với quan điểm nâng cao nhận thức là tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số vì nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; Phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện; Phát triển nguồn nhân lực là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2030 đạt 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu; hoàn thiện và mở rộng triển khai mô hình "Giáo dục đại học số" tới tối thiểu 50% các trường đại học công lập trong toàn quốc.
Đào tạo được 20.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số. 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.
Đề án tập trung triển khai 3 nhóm nhiệm vụ gồm: Nhóm các nhiệm vụ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; nhóm các nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng chuyển đổi số; nhóm các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Theo TTXVN/Báo Tin tức