Thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 các cấp đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp, phương án phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả trong từng giai đoạn. Đặc biệt với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc "4 tại chỗ", khoanh vùng và xử lý kịp thời không để dịch lan rộng, nên đã hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong; hạn chế, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh dịch bệnh đã cơ bản kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trên đà tăng trưởng trở lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, người lao động ổn định và phát triển trở lại. Đánh giá cấp độ dịch hiện nay tất cả 7 huyện, thành phố và toàn tỉnh đều đạt cấp độ 1. Đến ngày 9-2, tổng số vắc xin đã nhận là 1.131.190 liều, cơ quan Y tế đã tiêm được 1.106.442 liều. Trong đó, số người đủ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 là 453.688 người, đạt 111,5%, có 418.617 người tiêm mũi 2 và 160.412 người tiêm mũi 3. Tỷ lệ tiêm tại các địa phương: Thuận Nam 108,6%, Phan Rang Tháp Chàm 108,9%, Bác Ái 125,4%, Ninh Hải 108,4%, Thuận Bắc 157,2%, Ninh Sơn 104,8%, Ninh Phước 109,7%. Số người từ 12-17 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 là 50.951 đạt 86,8% và 44.895 người tiêm mũi 2. Toàn tỉnh có 6.922 mắc COVID-19, trong đó có 6.827 ca được điều trị khỏi, 58 ca tử vong, hiện đang điều trị 37 ca. Công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, công khai, minh bạch, cụ thể về tình hình dịch bệnh và các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã tạo sự tin tưởng của Nhân dân, kịp thời hướng dẫn người dân cách phòng tránh, động viên Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội để khắc phục tác động của dịch COVID-19. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng với tinh thần trách nhiệm cao đã góp phần sớm kiểm soát được tình hình dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Hiện nay, mặc dù Ninh Thuận đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng dự báo năm 2022, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với những biến chủng mới, từ những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn công tác chống dịch, tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 vừa được UBND tỉnh tổ chức, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và BCĐ tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19; nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT XH của tỉnh, đồng thời chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế, phấn đấu đạt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022. Theo đó trong quý I-2022, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện kế hoạch phục hồi các hoạt động KT-XH, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh từ quý II-2022 trở đi, phấn đấu đến cuối năm đạt tăng trưởng GRDP theo kế hoạch đã đề ra.
Tiếp tục giám sát các trường hợp nhập cảnh, giám sát cộng đồng, thực hiện việc cách ly, giám sát y tế, giám sát sự biến thể của vi rút SARS-CoV-2. Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá nguy cơ và áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa phù hợp, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Mở rộng việc cách ly, quản lý điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà, nơi lưu trú, thu hẹp dần các khu cách ly tập trung. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tập trung triển khai quyết liệt bằng mọi biện pháp tăng cường đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vắc xin, tổ chức tiêm an toàn, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi và mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I-2022, đặc biệt lưu ý các đối tượng thường xuyên di chuyển (18 đến 50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh; triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn triển khai việc điều trị toàn diện, triệt để, giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; nâng cao năng lực y tế cơ sở, sẵn sàng về trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, ôxy... Mở rộng triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động và điều trị, quản lý các trường hợp F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại nhà. Thành lập các mô hình đội tình nguyện, huy động sự tham gia của các tổ chức tôn giáo, tình nguyện viên... để tổ chức triển khai hoạt động chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị. Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thành phố bám sát tình hình thực tế để chỉ đạo triển khai việc dạy và học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác của người dân, cơ quan, doanh nghiệp trước biến thể Omicron, không tụ tập đông người khi không cần thiết, thực hiện nghiêm “5K”, tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đặc biệt những người nhập cảnh và gia đình phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, không ra khỏi nơi lưu trú, xét nghiệm SARS-CoV-2 khi mới nhập cảnh theo quy định. Triển khai các giải pháp duy trì tính bền vững trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, cộng đồng dân cư theo hướng dẫn, chỉ đạo của BCĐ quốc gia và Bộ Y tế.
Xuân Bính