Chú trọng chăm lo các đối tượng chính sách

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực quan tâm, chăm lo nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe (CSSK) người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội.

Thông qua các chương trình, đề án của Trung ương và của tỉnh, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 3.568 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đã hằng tháng; 58.948 người cao tuổi (trong đó, có 7.394 người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội); 164.442 trẻ em (có 224 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp xã hội).

Để nâng cao chất lượng bảo vệ, CSSK người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 243/KH-UBND triển khai thực hiện triển khai Quyết định số 1942/QĐ-TTg. Thông qua kế hoạch nhằm củng cố, đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của cơ sở CSSK lao động - xã hội (LĐXH) phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở CSSK LĐXH, nhằm đảm bảo cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh, kịp thời các dịch vụ y tế phù hợp theo hướng toàn diện, liên tục và hiệu quả; lồng ghép các hoạt động tăng cường sức khỏe, phòng ngừa, chăm sóc y tế, chỉnh hình, phục hồi chức năng kết hợp với các hoạt động trợ giúp xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm và phát triển bền vững.

Hội từ thiện Minh Tâm và Nhóm nghĩa tình đồng đội TP. Hồ Chí Minh trao quà cho các đối tượng
chính sách ở xã Phước Hòa (Bác Ái). Ảnh: Kha Hân

Kế hoạch của tỉnh được chia làm 2 giai đoạn, phấn đấu, đến năm 2025 có 60% cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện MT bảo đảm đủ điều kiện CSSK ban đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng; 10% cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện MT thực hiện được ít nhất 70% hoạt động chuyên môn, kỹ thuật của y tế tuyến xã; 30% đối tượng của các cơ sở CSSK LĐXH được quản lý, theo dõi sức khỏe điện tử. Từng bước đầu tư, nâng cấp các cơ sở CSSK LĐXH theo quy hoạch của ngành Y tế và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đến năm 2030 có 80% cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện MT bảo đảm đủ điều kiện CSSK ban đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng; 30% cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện MT thực hiện được ít nhất 80% hoạt động chuyên môn, kỹ thuật của y tế tuyến xã; 60% đối tượng của các cơ sở CSSK LĐXH được quản lý, theo dõi sức khỏe điện tử. Đầu tư, nâng cấp các cơ sở CSSK LĐXH theo quy hoạch của ngành Y tế và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh đề ra các nhiệm vụ, nhóm giải pháp trọng tâm: Củng cố, hoàn thiện các cơ sở CSSK LĐXH; đổi mới, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở CSSK LĐXH; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cơ sở CSSK LĐXH; đổi mới cơ chế cung cấp dịch vụ của cơ sở CSSK LĐXH; đổi mới cơ chế tài chính, nguồn lực hỗ trợ cho cơ sở CSSK LĐXH; hỗ trợ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của các cơ sở CSSK LĐXH; truyền thông nâng cao nhận thức về CSSK LĐXH cho đối tượng.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương ưu tiên hỗ trợ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở CSSK LĐXH nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó ưu tiên đầu tư cho các cơ sở CSSK LĐXH đã xuống cấp, không bảo đảm việc CSSK LĐXH cho đối tượng quản lý. Có giải pháp, lộ trình nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các đối tượng phục vụ của cơ sở; vận động nguồn lực hỗ trợ khám, chữa bệnh đối với người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em, người nghèo, người bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, người có thu nhập thấp. Thực hiện CSSK ban đầu cho các đối tượng do cơ sở quản lý và người lao động bị TNLĐ và bệnh nghề nghiệp; quản lý sức khỏe, tập trung theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, phòng, chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, quản lý các bệnh mạn tính cho đối tượng do cơ sở quản lý và người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ và kết nối, chuyển người bệnh lên các cơ sở y tế tuyến trên.

Xây dựng gói dịch vụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cơ bản cho thương bệnh binh, người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, người khuyết tật theo quy định của pháp luật bảo đảm đáp ứng nhu cầu CSSK của đối tượng. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí của công tác CSSK ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; kỹ năng chăm sóc, điều dưỡng và phục hồi chức năng đối với thương, bệnh binh, người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, người khuyết tật, người cao tuổi và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác.