Anh Phạm Xuân Quyền, Trưởng trạm Hải đăng Mũi Dinh, cho biết, đèn biển Mũi Dinh đặt ở phía Đông - Nam đảo Mũi Dinh, thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh được người Pháp xây dựng từ năm 1904. Ngọn hải đăng có hình dạng lăng trụ tứ giác và cao 16 m, được xây bằng đá granit với chiều cao toàn bộ 187 m, tính đến mực nước số “0” hải đồ. Ngày nay, đèn biển Mũi Dinh được sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời nạp vào bình ắc quy để cung cấp năng lượng cho ngọn đèn biển công suất 100W với tâm sáng 186 m chớp ánh sáng trắng, chớp nhóm (2+1), chu kỳ 20 giây, tầm hiệu lực ánh sáng vào ban đêm 26 hải lý. Ban ngày, vào những lúc thời tiết tốt, từ cách xa hơn 30 hải lý tàu thuyền qua lại có thể nhìn thấy ngọn hải đăng này.
Công tác tại Trạm Hải đăng Mũi Dinh được 15 năm, anh Lê Minh Tiến, cho biết: Điều quan trọng nhất là phải giữ cho đèn không được tắt, dù chỉ là một sơ suất nhỏ. Bởi vì hải đăng Mũi Dinh không chỉ làm mốc chỉ dẫn cho tàu thuyền hoạt động trong khu vực mà còn là ánh sáng chủ quyền quốc gia trên biển.
Anh Lê Minh Tiến, kiểm tra, lau chùi đèn biển.
Với đặc tính là ở biển nên hải đăng bị ảnh hưởng bởi hơi muối mặn và gió biển dễ làm hư hỏng máy móc và các trang thiết bị kỹ thuật, nên cán bộ, công nhân viên phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị trên trạm. Với người dân ở đây vẫn yêu mến gọi những người gác đèn biển là những “chiến sĩ không quân hàm”. Kể cũng phải, bất kể ngày nắng hay mưa, những người “gác đèn” như anh Quyền, anh Tiến vẫn phải miệt mài chăm sóc, bảo vệ ngọn đèn không được tắt. Theo quy định thì mỗi cán bộ ở trạm sẽ được luân phiên nghỉ phép nhưng dù có đi đến đâu, với họ, trạm công tác vẫn luôn là nhà.
Theo chân Trạm trưởng Phạm Xuân Quyền, chúng tôi leo gần 30 nhịp cầu thang xoắn ốc, có đoạn dựng thẳng đứng lên nơi đặt đèn, anh Quyền cho biết: Đây là công việc thường xuyên và quan trọng, ít nhất mỗi người ở trạm phải lên, xuống 2 lần để trực, kiểm tra máy móc. Được dịp lên đài quan sát, chúng tôi phóng tầm mắt ra xa và bao quát được cả một vùng trời biển xanh bao la. Xa xa, những con tàu của ngư dân đang hoạt động, khai thác, đánh bắt ngoài biển cả. Chúng tôi còn nhìn thấy được cả những chấm đỏ bay phấp phới. Đó chính là cờ Tổ quốc được mỗi ngư dân trang trọng treo trước mũi thuyền. Hằng ngày, giờ hoạt động của trạm đèn bắt đầu từ lúc 18 giờ khi hoàng hôn buông xuống đến 6 giờ sáng khi bình minh ló dạng. Vào những ngày cuối năm, hoặc nhiều sương mù, giờ sáng đèn sẽ từ 17 giờ cho tới sáng hôm sau, sớm hơn một giờ vì điều kiện thời tiết.
Hải đăng Mũi Dinh. Ảnh minh họa
“Vào năm 1997, bà con ở làng chài Bãi Tràng, thôn Sơn Hải đã lên Trạm Hải đăng Mũi Dinh để tránh bão, mặc dù vất vả nhưng được giúp bà con an toàn vượt qua đợt bão là chúng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc lắm” - anh Quyền chia sẻ thêm.
Vào những ngày cuối năm ở những vùng biển trời sập tối khá nhanh do có nhiều sương mù. 18 giờ chiều, rời Trạm Hải đăng Mũi Dinh đã thấy ngọn hải đăng sáng đèn. Và một ngày làm việc mới của những thợ nhà đèn đang bắt đầu. Giữa mênh mông biển trời, những người “gác đèn” vẫn miệt mài với công việc của mình, cheo leo trên những ngọn đèn để đưa ánh sáng đi xa nhất. Để đêm xuống, từ ngọn hải đăng ấy đều đặn nhấp nháy ánh sáng trắng, như một tín hiệu bình yên nơi vùng biển quê hương.
Phan Bình