Đồng chí Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Dịch COVID-19 thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm, nhất là từ khi thực hiện giai đoạn 1 “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Quyết định số 2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng nhanh hơn trước do sự nới lỏng các biện pháp giãn cách và việc đi lại, hoạt động giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự tích cực phối hợp vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của Nhân dân, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt; tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong ngày càng giảm.
Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Đóng góp cho thành tích trên phải kể đến sự quyết tâm, nỗ lực, chiến đấu không ngừng nghỉ của toàn ngành Y tế. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh linh hoạt xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với dịch bệnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời điểm, giai đoạn; tổ chức các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến nhằm kiểm soát dịch tễ, điều trị; xây dựng “vùng xanh” an toàn; triển khai thực hiện mô hình quản lý, điều trị bệnh nhân F0 và các ca nghi F0 tại nhà... Đặc biệt đã tham mưu ban hành Quy định tạm thời các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất, đưa cuộc sống của người dân dần ổn định, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong tầng lớp Nhân dân.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, từ ngày 27-4 đến cuối tháng 12-2021, toàn tỉnh ghi nhận trên 5.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó có 52 ca tử vong, thấp hơn mức trung bình chung của cả nước. Đến cuối tháng 12-2021, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 đã đạt gần 90%; trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tiêm 1 mũi đạt 83%.
Điều đáng ghi nhận nữa đó là mặc dù thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, hưởng ứng lời kêu gọi 10.000 cán bộ y tế hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, tỉnh ta đã chi viện 40 bác sĩ, nhân viên y tế của các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố trong tỉnh tình nguyện vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Với một ý chí, niềm tin, tình cảm cao đẹp, tâm niệm của người thầy thuốc tất cả vì sức khỏe, sinh mạng của bệnh nhân, trong tâm dịch với nhiều nguy hiểm, gian lao, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Lãnh đạo và các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiễn Đoàn công tác lên đường vào Tp.Hồ Chí Minh hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Quả thực, có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, tâm huyết, áp lực, vất vả mà bác sĩ, nhân viên y tế trong “cuộc chiến” cam go này. Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại tỉnh ta, với vai trò là đơn vị y tế đầu ngành - Bệnh viện luôn ở trong tâm thế sẵn sàng “chiến đấu”, chuẩn bị về cả tinh thần, cũng như các điều kiện nhân lực, vật lực chủ động ứng phó với các tình huống, với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất. Bác sĩ Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hiện bệnh viện đảm nhận thu dung, điều trị cho các bệnh nhân tầng 2, tầng 3 (bệnh nhân nặng, nguy kịch). Trong đó, nhân lực trực tiếp thực hiện công tác điều trị bệnh nhân tầng 3 có 25 bác sĩ, 39 điều dưỡng, 6 nữ hộ sinh, 3 hộ lý; tất cả đều có kinh nghiệm về hồi sức tích cực, có khả năng thực hiện kỹ thuật lọc máu liên tục, chạy ECMO, thở máy. Ngoài ra, hệ thống hội chẩn bên ngoài có 2 Phó Giám đốc của bệnh viện, 1 bác sĩ CK2 là cố vấn chuyên môn bệnh viện và 1 bác sĩ CK2 là Trưởng Khoa Nội thận tiết niệu, thành viên Hội Lọc máu Việt Nam, luôn sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp qua hội chẩn trực tuyến. Điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao nên vô cùng áp lực, vất vả; đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ luôn nhận thức rõ trọng trách của mình. Mỗi ngày, ngoài việc thăm khám, tiếp nhận những ca bệnh mới, hội chẩn để đưa ra phương án điều trị thích hợp cho từng ca bệnh..., các bác sĩ, nhân viên y tế phải theo dõi sát sao diễn biến của từng bệnh nhân, đặc biệt xử lý kịp thời những tình huống xấu để hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Bệnh nhân nhiễm COVID-19 không có người thân ở bên cạnh chăm sóc, nên các bác sĩ, nhân viên y tế đảm nhận chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, chia sẻ, động viên tinh thần cho bệnh nhân yên tâm điều trị.
Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn, tính mạng của người bệnh, bệnh viện không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng công tác điều trị. Hằng ngày, Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19 của bệnh viện kết nối với tất cả các tuyến, hội chẩn các bệnh viện tuyến trên, các chuyên gia của Bộ Y tế báo cáo, trao đổi chuyên môn công tác điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch. Được sự giúp đỡ và tham gia trực tiếp của đoàn chuyên gia từ Bệnh viện Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh, bệnh viện đã hoàn thiện các quy trình, cải thiện công tác chăm sóc bệnh nhân COVID-19, triển khai công tác chăm sóc toàn diện bệnh nhân chăm sóc cấp 1, đặc biệt là các bệnh nhân thở máy, thở HFNC... Ngoài ra, bệnh viện còn chủ trì, tổ chức các lớp tập huấn cập nhật phác đồ điều trị COVID-19; tập huấn hỗ trợ hô hấp, thở máy ở bệnh nhân COVID-19; triển khai thực hiện túi F0 và sử dụng các thuốc kháng virus đối với bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ, không triệu chứng; đồng thời ban hành quy trình chuyển viện bệnh nhân COVID-19 từ các cơ sở cách ly điều trị trên địa bàn tỉnh đến các đơn vị điều trị COVID-19 của bệnh viện. Hướng dẫn củng cố phân tầng điều trị phù hợp, đánh giá mức độ bệnh, chuyển tuyến sớm và đúng tầng theo quy định...
Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, số ca nhập viện các tầng điều trị của bệnh viện giảm đáng kể. Trong giai đoạn trước tháng 12-2021, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, đến nay, số bệnh nhân nhập viện trung bình khoảng 14 người/ngày. Tỷ lệ bệnh nhân nặng và nguy kịch nhập viện giảm, số ca thở máy, thở HFNC giảm bằng một nửa. Năng lực điều trị ở các tầng, đặc biệt tầng 3 ngày càng tốt và chuẩn hóa với trang thiết bị, thuốc đủ để đáp ứng với tình hình dịch của tỉnh. Khả năng liên thông, kết nối giữa các tầng điều trị tốt hơn. Hiệu quả của công tác điều trị theo dõi F0 tại nhà đã giảm áp lực cho tầng 1, tầng 2 và tầng 3.
Đồng chí Lê Vũ Chương cho biết thêm: Ngoài sự nỗ lực, kết quả mà ngành Y tế đạt được còn nhờ tỉnh đã quan tâm, huy động các nguồn lực đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị COVID-19 như: Hệ thống PCR, máy ECMO, máy thở chức năng cao, máy lọc máu, máy HFNC, hệ thống oxy trung tâm, túi thuốc điều trị F0... với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm, ngành Y tế xác định đây là cuộc chiến trường kỳ, nhiều gian nan và luôn sẵn sàng tâm thế chiến đấu với ý chí, quyết tâm cao nhất.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới đó là tham mưu cho tỉnh tiếp tục xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh công tác tiêm chủng, bảo đảm 100% những người trong diện đối tượng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ. Thực hiện tốt điều trị, quản lý các trường hợp F0, F1 tại nhà. Thực hiện tốt phân tầng và nâng cao hiệu quả điều trị COVID-19, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, hoàn thành sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân, nhanh chóng giúp khôi phục sản xuất, đưa cuộc sống Nhân dân trở về trạng thái “bình thường mới”, cùng tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Uyên Thu