Bám sát Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện nghị quyết của Đảng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ngay từ đầu năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đạt được một số kết quả nhất định. Tiêu biểu là tham mưu ban hành một số chính sách mới để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp CNC. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư dự án khởi nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC đối với các loại cây trồng đặc thù có diện tích 300 m2 trở lên được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, mua thiết bị, nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án. Cùng với đó, Sở tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh về tiếp cận tín dụng, đầu tư cơ sở chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh, hỗ trợ hoạt động khuyến nông...
Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc)
thu hoạch lúa. Ảnh: Hồng Lâm
Từ chỗ các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, nhiều mô hình mới tiếp tục được đầu tư, nhân rộng, tạo chuỗi giá trị gia tăng. Cuối năm, về các vùng sản xuất nông nghiệp CNC, cảm nhận rõ sắc xuân đã về trên những cánh đồng mẫu lớn. Trước thềm năm mới, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh (Viện Khoa học Thủy Lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại xã Phước Tiến (Bác Ái) đón nhận niềm vui mới. Trung tâm khai thác thành công mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia theo hướng nông nghiệp CNC mang lại lợi nhuận vượt trội, sản xuất 1 ha thu lãi từ 500-700 triệu đồng/vụ. Đi qua những cánh đồng măng tây xanh của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố được quy hoạch xây dựng đồng bộ với công nghệ hiện đại, chúng tôi cảm nhận ngập tràn không gian xanh mát. Ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, cho biết: Điểm mới gần đây về hoạt động sản xuất của Công ty là tích cực tham gia Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh. Sau khi nghiên cứu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, Công ty đã chuyển 14 ha đất sản xuất bắp và lúa giống sang trồng măng tây xanh. Một số diện tích măng tây xanh đã cho thu hoạch, đạt 150-180 kg/ngày/ha. Sản phẩm sau khi thu hoạch được Công ty sơ chế, đóng gói bán cho các đối tác trong nước với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg. Hiện nay, Công ty đang tiếp tục triển khai trồng mới và hoàn thiện mô hình 30 ha măng tây xanh.
Xuân Nhâm Dần 2022 đang về. Trong sắc xuân mới, các loại cây trồng trên cánh đồng mẫu lớn tràn đầy sức sống. Nhờ tỉnh tập trung chỉ đạo sản xuất linh hoạt, sát tình hình, công tác điều tiết nước hợp lý, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững đạt 1.518 ha, vượt 1,2% kế hoạch; thực hiện 31 cánh đồng lớn/4.014,15 ha, trong đó triển khai mới 1 cánh đồng lúa 60 ha tại huyện Ninh Sơn. Đến thăm cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa ở thôn Suối Rớ và Suối Khô, xã Phước Chính (Bác Ái), chứng kiến nông dân phấn khởi bước vào sản xuất vụ đông - xuân. Anh Cadá Liên, ở thôn Suối Rớ là một trong các hộ đầu tiên ở địa phương tham gia sản xuất lúa theo cánh đồng lớn, cho biết: Sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn năng suất cao, bình quân đạt 6 tấn/ha. Trong số 58 hộ tham gia thực hiện mô hình có 8 hộ nghèo, đến nay đã có 3 hộ thoát nghèo. Đáng nói là, thành công của mô hình cánh đồng mẫu lớn còn giúp đồng bào Raglai thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, biết áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết: Để triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn, đầu tư bê tông đường nội đồng, kênh mương, tạo thuận lợi đưa cơ giới vào sản xuất. Mô hình đang hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Từ triển khai thí điểm thành công mô hình tại xã Phước Chính, Huyện ủy đã chỉ đạo tiếp tục nhân rộng ở các xã Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Tân. Huyện xác định, nhân rộng cánh đồng mẫu lớn là tạo điều kiện để bà con vùng cao thoát nghèo bền vững, từng bước ổn định cuộc sống.
Có thể nói, sản xuất nông nghiệp năm 2021 có bước phát triển khá toàn diện, cả về quy mô, năng suất, sản lượng; cơ cấu ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng giá trị; từng bước hình thành một số cánh đồng lớn, vùng chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến, bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; giá trị sản xuất chủ động nước, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất tăng lên. Việc triển khai và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho Nhân dân được chú trọng. Nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất bước đầu đã triển khai ứng dụng CNC vào một số khâu trong quy trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một số sản phẩm đặc thù của tỉnh đã khẳng định được lợi thế cạnh tranh, thương hiệu và thị trường.
Một năm nỗ lực vượt qua khó khăn, sản xuất nông nghiệp để lại dấu ấn từ việc phát huy được vai trò của doanh nghiệp trong dẫn dắt phát triển nông nghiệp CNC, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân; đồng thời, nâng cao giá trị hàng nông sản trên thị trường. Ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 6.448 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng, tinh thần vượt khó của ngành chức năng, các địa phương, nông dân và cộng đồng doanh nghiệp trên toàn tỉnh. Trong mùa xuân mới, tin tưởng ngành Nông nghiệp tiếp tục vươn lên, đạt được nhiều kết quả hơn nữa.
Tuấn Anh