ATM cho người lao động nghèo
Những ngày đầu tháng 5-2020, những chiếc máy “ATM gạo” đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Đó là những chiếc máy do Mặt trận và tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp đưa vào hoạt động. Đó là những chiếc máy không rút tiền, mà rút được những “bữa cơm no”. Trong năm 2020 và 2021, “ATM gạo” lan rộng ra các địa phương trên địa bàn tỉnh và nhanh chóng trở thành điểm tựa mới cho những người yếu thế, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Tính đến nay, hơn 35 tấn gạo đã được các tổ chức, cá nhân ủng hộ, tiếp thêm sức mạnh cho dòng gạo tuôn tràn. Và nhờ đó, trên 13.000 lượt người nghèo đã được nhận gạo, giúp họ vơi bớt phần nào khó khăn trong đại dịch.
Người nghèo nhận hỗ trợ từ máy “ATM gạo”.
Tháng 4-2021, đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát với biến chủng mới, 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương trở thành tâm dịch. Hàng loạt công ty phải thực hiện “3 tại chỗ” để ngăn ngừa, phòng tránh dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Hàng vạn NLĐ phổ thông, lao động thời vụ là công dân Ninh Thuận mất việc, đưa theo gia đình, con cái trở về quê. Ngay thời điểm tỉnh thực hiện việc đón những công dân địa phương đang làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố phía Nam về quê tránh dịch, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã có kế hoạch giúp NLĐ có việc làm, có thu nhập để ổn định đời sống trong thời gian phòng, chống dịch. Và “ATM việc làm” tại Ninh Thuận đã như thế “ra đời”. Nếu như ví “ATM gạo” là “con cá”, giúp NLĐ đảm bảo nhu cầu cơ bản của cuộc sống ngay tại thời điểm khó khăn, thì “ATM việc làm” chính là “chiếc cần câu”, trao cho NLĐ cơ hội tiếp cận nghề nghiệp, việc làm để đảm bảo cuộc mưu sinh và cả một cuộc sống phía trước. “ATM việc làm” do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức từ cuối tháng 8-2021, đến nay đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, hơn 1.200 NLĐ đăng ký tìm việc làm. Qua 9 kỳ “ATM việc làm” trong năm 2021, chương trình đã kết nối được 28 doanh nghiệp và 65 lao động tìm được việc làm trên chính mảnh đất quê hương.
“ATM việc làm” kết nối người lao động tìm được việc làm trên chính mảnh đất
quê hương trong đại dịch COVID-19
ATM cho học sinh nghèo
Thành công của “ATM việc làm” đã tạo động lực cho Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tiếp tục triển khai chương trình “ATM điện thoại - máy tính cũ”, giúp HS nghèo của tỉnh có thiết bị để học trực tuyến trong điều kiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, cùng các em vượt khó, tiếp tục cuộc hành trình đi tìm con chữ, để không một em HS nào mất cơ hội học tập vì đại dịch. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chỉ trong thời gian vỏn vẹn chưa đến một tháng kể từ khi Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phát động chương trình “ATM điện thoại - máy tính cũ” vào cuối tháng 9-2021, đã có nhiều doanh nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh ủng hộ hơn 150 triệu đồng. Kết quả, đã có 60 em HS đồng bào Raglai có hoàn cảnh khó khăn của huyện miền núi Bác Ái được trao tặng điện thoại thông minh, giúp các em có điều kiện tiếp tục học tập, tiếp cận với tri thức, để mở ra các cơ hội thay đổi cả tương lai.
Các em học sinh nghèo được nhận điện thoại từ Chương trình
“ATM điện thoại, máy tính cũ”.
Cùng với “ATM điện thoại - máy tính cũ”, chương trình “ATM sách cũ cho em” cũng đã được triển khai kịp thời vào đầu năm học 2021-2022 với phương châm “Không để HS nào thiếu sách giáo khoa khi đến trường”. Chương trình do các bạn đoàn viên - thanh niên của đội tình nguyện “Đôi Cánh Trẻ Ninh Thuận” triển khai nhằm vận động sách giáo khoa (SGK) cũ cho HS nghèo. Lần đầu tiên tổ chức, chương tình đã tiếp nhận hơn 1.000 quyển SGK từ lớp 1 đến lớp 12, trong đó có cả những bộ SGK mới, tập vở và đồ dùng học tập do cộng đồng quyên tặng; đã có hơn 40 bộ SGK kịp thời trao tay các em HS trước thềm năm học mới. Dù sự hỗ trợ còn khiêm tốn nhưng thông điệp gửi gắm thông qua chương trình “ATM sách cũ cho em” lại mang ý nghĩa lớn. Đó là sự sẻ chia, đồng hành với HS nghèo; là tinh thần đùm bọc, “tương thân, tương ái” của các gia đình, của các bạn nhỏ với nhau. Và hơn hết là giáo dục các em HS biết trân trọng những gì đang có, giữ gìn cẩn thận SGK, đồ dùng học tập để những vật dụng ấy tiếp tục được phát huy giá trị trong những hoàn cảnh, môi trường khác.
Những cây “ATM gạo” miễn phí cho người nghèo, hay những “ATM sống” hoạt động bằng tình yêu thương như “ATM việc làm”, “ATM điện thoại - máy tính cũ” và “ATM sách cũ cho em” đã và đang được triển khai và nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh là minh chứng giá trị của sự tử tế, lòng nhân ái, sự sẻ chia giữa đại dịch COVID-19. Nhìn vào đó, để thấy tình người cứ đầy ắp, để thấy cuộc đời này còn nhiều điều để sống đẹp, sống tốt và sẻ chia.
Minh Thương