Tết miền quê

Những lá mai cuối cùng rơi lã chã xuống góc vườn, nhường chỗ cho mầm non đâm chồi nảy lộc len lỏi qua từng tia nắng ấm như báo hiệu cái rét mướt mùa đông sắp đi qua, mùa xuân căng tràn nhựa sống sắp đến. Đó cũng là thời khắc giao mùa, nơi lòng người, đất trời giao hòa để đón chờ không khí những ngày Tết. Có lẽ, không đâu có thể cảm nhận trọn vẹn Tết bằng ở quê. Sau một năm đầy khó khăn đã qua, Tết quê như những thanh âm khiến lòng người dâng lên niềm chộn rộn, xốn xang, như là hối thúc những người xa quê tìm về hơi ấm nơi quê nhà...

Ảnh minh họa.

Không khí Tết quê bắt đầu nhộn nhịp từ Rằm tháng Chạp. Và chợ quê là nơi phản ánh rõ nét nhất không khí những ngày giáp Tết. Bà con mang hoa từ rẫy lên bán, màu của hoa vạn thọ, cúc vàng, lây ơn rực rỡ cả tuyến đường, rồi thì mớ rau, dưa hành củ kiệu, tàu lá chuối và màu nếp mới... như tô điểm cho chợ quê thêm đầy màu sắc, đủ vị không thiếu thứ chi... Tết quê không chỉ có ở những buổi chợ, mà còn tràn ngập trên từng thửa ruộng, từng con đường làng và tràn vào từng ngôi nhà. Ngoài đồng những ngày cuối năm đang vào mùa gieo mạ, các cô, bác nông dân với tấm lưng tảo tần lom khom giữa màu nắng mới, gót chân nứt nẻ bì bõm lội trong bùn nước, bàn tay cần mẫn rải những hạt lúa đã ươm mầm, vừa gieo lúa, vừa chuyện trò xôn xao, rủ rỉ về món mứt gừng, bánh tét, giò chả ngày Tết, ân cần hỏi thăm con cháu xa quê khi nào mới về sum họp. Nào là bao công việc ngoài vườn, ngoài rẫy, phải hoàn thành trong năm cho kịp thời kịp vụ. Nào phải lo tất tả dự trữ thức ăn cho đàn gia súc để đôi ba ngày Tết được an nhàn, nghỉ ngơi sau một năm lam lũ, nhọc nhằn. Người vội vã, bận rộn với công việc chuẩn bị trang hoàng cho nhà cửa tươm tất, nhà nhà thu dọn đồ cũ, quét vôi, quét sơn mới, hàng xóm rủ nhau dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, cứ thế, ai cũng rộn lên một niềm hân hoan trong lòng.

Ảnh minh họa.

Khác với không gian nhà của phố thị, có những cây kiểng đủ loại, nhiều kiểu dáng mới lạ thì miền quê lại bình dị, dân giã, khi nhà nào cũng dành ra một chút khoảng sân vườn rộng để trồng hoa mai, loài hoa biểu tượng của Tết phương Nam. Nhà ít đất thì cố gắng trồng một cây, nhà sân rộng cũng trồng vài ba cây để có không khí Tết. Các bác cao niên có kinh nghiệm trong nhà thường là người chọn thời điểm để lặt lá, chăm cây để hoa nở đúng mùng 1 Tết. Xung quanh nhà còn được chưng vài chậu hoa, nào cúc vàng, vạn thọ, hoa hồng điểm xuyết cho bức tranh Tết đầy đặn dư vị. Dù trải qua một năm đầy khó khăn, kinh tế có phần eo hẹp, nhưng các bà, các mẹ vẫn sắm sửa cho gia đình đầy đủ “hương vị” của ngày Tết, để xuân thêm phần ý nghĩa, vì vậy mà trong khoảng sân nhỏ, còn được mọi người bày biện phơi những mẫu bánh in, bánh thuẩn, miếng cốm thơm phưng phức... Bên gian bếp nhỏ là nồi bánh tét sôi ùng ục với ánh lửa bập bùng cùng âm thanh tí tách của những cây củi tre, củi keo, củi dừa,... hơi nóng tỏa ra như xua tan đi cái không khí se lạnh của ngày giáp Tết, góp thêm chút ấm áp cho không gian xuân tràn ngập từng gia đình, trong tiếng cười nói râm ran.

...Cứ như thế, Tết miền quê không quá cầu kỳ, khuôn sáo mà giản đơn phóng khoáng, ấm áp gia đình, tình thân người xa quê, thắm đượm tình làng nghĩa xóm.