Năm 2021, ngành Công Thương đã chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện nhiệm vụ và đạt được những kết quả quan trọng. Sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, duy trì đạt mức tăng trưởng gần 5%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, khẳng định vai trò nội lực trong tăng trưởng của toàn ngành, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục, gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế, đưa Việt Nam vào nhóm an ninh kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, trong đó xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục tăng trên 19%, vượt 15% so với kế hoạch đề ra. Cung cầu hàng hóa được bảo đảm, cơ bản đáp ứng đầy đủ, kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân, với giá cả tiêu thụ ổn định; đồng thời khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường góp phần tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản tới vụ giúp cho bà con nông dân trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội. Thương mại điện tử phát triển mạnh. Công tác quản lý nhà nước, bảo bệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý thị trường… được quan tâm triển khai toàn diện, hiệu quả…
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu của tỉnh.
Nhiệm vụ của ngành Công Thương năm 2022 là tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển trong trạng thái bình thường mới. Tập trung triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và định hướng đến năm 2023. Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ngành Công Thương trong thời kỳ mới. Khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy hoạch về phát triển năng lượng quốc gia, điện lực quốc gia, thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản Việt Nam và hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia. Tái cơ cấu ngành thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa; cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Công Thương trong năm 2021. Về nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Trước mắt, tập trung cho quy hoạch điện lực quốc gia và quy hoạch điện VIII, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, hóa chất, phân bón… Quan tâm phát triển ngành dầu khí, đặc biệt tăng thêm các sản lượng khai thác chế biến. Cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế thực hiện hiệu quả các xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa để đẩy mạnh xuất nhập khẩu bảo đảm bền vững, lâu dài, chất lượng. Tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, hệ thống phân phối nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Phát triển thương mại điện tử, gắn với thương mại truyền thống. Tăng cường kiểm soát thị trường. Tạo đột phá thể chế chính sách theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng… Qua đó tạo sự phát triển bền vững, chất lượng cho toàn ngành.
Nguyên vũ