Tại điểm cầu tỉnh ta, tham dự có các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh; Đàng Thị Mỹ Hương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh; các ĐBQH: Chamaléa Thị Thủy, Nguyễn Văn Thuận.
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phát biểu trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương tán thành việc ban hành Nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội. Ngoài các giải pháp được quy định tại dự thảo nghị quyết thì đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị cần rà soát, bổ sung giải pháp về Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cần quy định kịp thời việc thực hiện hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, các quy định pháp luật còn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập trung nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước; đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường xử lý kịp thời các công việc trên nền tảng trực tuyến; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quy định chặt chẽ công tác giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư công, quản lý tài chính nhà nước....Đây là các vấn đề rất quan trọng, không cần phải tốn nhiều kinh phí để đầu tư, nhưng rất cần thiết phải thực hiện để kịp thời tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn. Các giải pháp này, rất cần thiết phải được triển khai thực hiện ngay. Tuy nhiên, để đảm bảo đạt được mục tiêu được đề ra tại dự thảo Nghị quyết, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị Quốc hội cần rà soát các giải pháp cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi; nghiên cứu dự thảo nghị quyết cho thấy được bố trí nguồn lực khá lớn, quy định thời gian thực hiện khá ngắn, chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023; đề nghị trong triển khai thực hiện cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, cần quy định thứ tự ưu tiên các nội dung cụ thể cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để bảo đảm khả thi.
Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Ngoài ra, Để đảm bảo đạt được mục tiêu phòng chống tham nhũng; tránh lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi ích nhóm… đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng cần quy định đảm bảo cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong thực hiện các nội dung của Chương trình. Tại Điều 7 dự thảo nghị quyết có quy định các cơ quan của Quốc hội; các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện, cơ chế thực hiện. Đề nghị cần bổ sung quy định về chế độ báo cáo, thông tin của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, chính quyền địa phương… đến đại biểu quốc hội, Đoàn ĐBQH; các đối tượng chịu sự giám sát thông tin báo cáo đến các đối tượng thực hiện giám sát. Cần quy định cụ thể tại dự thảo nghị quyết về việc Chính phủ báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện Chương trình đến Quốc hội hàng năm; đây cũng là điều kiện để Quốc hội nắm bắt tình hình, thực hiện nhiệm vụ giám sát theo quy định tại dự thảo nghị quyết.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc và thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Phan Bình