Tại phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu cho rằng, Dự thảo sửa đổi, bổ sung 8 luật lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, góp phần phục hồi nền kinh tế. Về góp ý cụ thể Dự án luật, các đại biểu đề nghị giảm quy trình, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo tiến độ thực hiện giải ngân các chương trình, dự án; sửa đổi quy định để giải quyết được vướng mắc trong bố trí vốn công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; làm rõ việc áp dụng quy định với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng với các loại đất khác không phải đất ở nhưng đã gần hết thời hạn sử dụng đất phải giải quyết thế nào cho phù hợp. Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh thảo tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Qua các tờ trình, các đại biểu tán thành cao về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Các đại biểu cho rằng Cần Thơ là trung tâm Tây Nam Bộ vì vậy cần có cơ chế chính sách đặc thù làm động lực phát triển cho cả khu vực, nên cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù; các chính sách về tại điều kiện nguồn lực tài chính như dự thảo của Nghị quyết là phù hợp, tương đồng với các chính sách được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, cần phải có đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách, đặc thù ở các địa phương, kịp thời tháo gỡ, vướng mắc trong thực tiễn; cần phải có cơ chế phối hợp giữa Chính phủ, các bộ, ngành với địa phương để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chính sách cơ chế đặc thù.
Phan Bình