Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm cao cùng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, năm 2021, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Đã điều hành thu, chi ngân sách linh hoạt, kịp thời ứng phó với dịch COVID-19, ổn định đời sống xã hội; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.563 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% so với dự toán, tăng 3,7% so với năm 2020. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, tăng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Giá cả thị trường được kiểm soát chặt chẽ; thị trường tài chính tiếp tục phát triển..., góp phần quan trọng trong thực hiện “mục tiêu kép" của Chính phủ.
Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Năm 2022, ngành Tài chính thực hiện các giải pháp để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để kiểm soát dịch COVID-19, tận dụng các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục giữ vững kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách triệt để để tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước. Phấn đấu dự toán thu ngân sách nhà nước đạt 1.411,7 nghìn tỷ đồng; trong đó thu nội địa chiếm 83,5%; thu dầu thô chiếm 2%; dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 14,1% và thu viện trợ chiếm 0,05%.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương những thành tích đạt được của ngành Tài chính trong thời gian qua. Thủ tướng lưu ý năm 2022 dự báo nhiều khó khăn, thử thách do tình hình dịch COVID-19 trong và ngoài nước tiếp tục diễn biến phức tạp, lạm phát nguy cơ cao, vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp..., ngành Tài chính cần chuẩn bị tốt tâm thế, nội lực, đề ra các giải pháp, mục tiêu phù hợp, có tính khả thi, hiệu quả cao, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, cần chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm: Phân bổ thu chi hợp lý, đề ra chính sách khuyến khích tăng nguồn thu; tiêu chí phân bổ ngân sách bảo đảm công bằng, hạn chế tiêu cực. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, luôn bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh công việc, giải quyết những vấn đề phát sinh. Nắm chắc tình hình để tham mưu chiến lược không để bất ngờ về tài chính - ngân sách, nhất là trên các lĩnh vực: Thị trường vốn, giá cả những mặt hàng chủ lực, xuất nhập khẩu… Xuất phát từ thực tiễn, lắng nghe ý kiến từ địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp để tạo các đột phá, thúc đẩy xây dựng thể chế một cách linh hoạt phục vụ cho sự phát triển. Phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tìm mọi biện pháp tăng thu, giảm chi, nhất là cắt những khoản chi không cần thiết, thực hành tiết kiệm trong tình hình khó khăn như hiện nay. Quản lý tốt tài sản công, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các thị trường tài chính, thực hiện tốt tái cấu trúc cổ phần hóa doanh nghiệp. Phối hợp với các cấp, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý thị trường, bảo đảm cung - cầu hàng hóa, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 phục vụ Nhân dân... Ngoài ra, quan tâm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các cấp, các ngành… phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Uyên Thu