10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2021

Trân trọng giới thiệu 10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2021 do Thông tấn xã Việt Nam bình chọn:

1. Đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19

Làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 khiến kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, phá sản khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế với GDP tăng trên 2%; xuất nhập khẩu vượt mốc 660 tỷ USD, tăng 22,4%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; xuất siêu khoảng 3 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 29 tỷ USD, tăng hơn 0,5 tỷ USD so với năm 2020… Đây là kết quả nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế trong triển khai những quyết sách quan trọng thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế".

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH ITM Semiconductor Vietnam tại khu công nghiệp VSIP, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thái Hùng/TTXVN

2. Ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện một số biện pháp chưa có tiền lệ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 28/7, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15; trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện một số biện pháp chưa được quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ ban hành nhiều quyết sách, đặc biệt Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 được coi là mở đường, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, tính đến đầu tháng 12/2021, các ngành đã miễn, giảm, giãn khoảng 140 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí cho doanh nghiệp; xuất cấp hơn 253 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân; giải ngân 1.754 tỷ đồng hỗ trợ trả lương cho người lao động; miễn, giảm lãi, phí khoảng 31 nghìn tỷ đồng cho khách hàng của các tổ chức tín dụng…

3. Quốc hội thông qua kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế

Chiều 29/10, tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe báo cáo dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), các đại biểu thảo luận tại tổ về vấn đề này. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Ngày 12/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết chỉ rõ cần hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những cơ hội, thuận lợi đan xen với thách thức, khó khăn, đặc biệt dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ xác định Kế hoạch này cần được thực hiện quyết liệt nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

4. Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050

Ngày 1/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố, sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan. Việt Nam cũng cam kết dần loại than khỏi sản xuất điện và ngừng hỗ trợ xây nhà máy điện than mới. Những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực của dư luận quốc tế, đồng thời cho thấy rõ hơn vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

5. 15 năm Việt Nam gia nhập WTO và khẳng định vị thế hội nhập

Ngày 7/11/2021 đánh dấu 15 năm Việt Nam được kết nạp là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO (7/11/2006-7/11/2021). Theo WTO, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng bứt phá. Nếu như năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD thì đến năm 2021 đã lên tới trên 667 tỷ USD, tăng gấp hơn 7 lần. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm; trong đó năm 2020 ghi nhận xuất siêu kỷ lục trên 19 tỷ USD. Năm 2021, mặc dù khó khăn của đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Cùng với WTO, 17 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực và đang đàm phán đã đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở tới 200% GDP.

6. Đối thoại chiến lược quốc gia lần đầu tiên giữa Việt Nam và WEF

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Cuộc đối thoại có sự tham dự của gần 70 tập đoàn hàng đầu ở khu vực và toàn cầu đã và đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Đây là cơ hội để Chính phủ Việt Nam chia sẻ những kế hoạch phục hồi nền kinh tế, từ đó thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ, các địa phương với các tập đoàn đồng hành khôi phục sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các đặc khu kinh tế.

7. Thăng hạng "quyền lực mềm toàn cầu"

Ngày 25/2, tại "Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu" do Brand Finance - công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới tổ chức nhằm công bố Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, vị trí của Việt Nam được cải thiện, tăng 2,5 điểm, thay đổi từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Đánh giá của Brand Finance cho thấy, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.

8. Lọt "top" 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu

Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu bảng Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2021. Trong những năm gần đây, năng lực sản xuất, trình độ công nghệ cao của Việt Nam đã tăng đáng kể, giúp thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất nâng cao chuỗi giá trị. Trong bối cảnh ngành logistics thế giới trải qua một năm đầy thử thách và biến động, việc Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu đã mở ra những cơ hội đầy triển vọng thu hút đầu tư nhằm đạt mục tiêu Chính phủ đề ra phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt từ 15-20%.

9. Những kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán

Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lập những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử về điểm số, thanh khoản và số tài khoản mở mới. VN-Index đạt mức cao nhất 1.500,8 điểm trong lịch sử giao dịch vào phiên 25/11, tăng gần 36% so với cuối năm 2020. Thanh khoản thường xuyên đã đạt mức hàng tỷ USD, đặc biệt lập kỷ lục ngày 23/12 với gần 53 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 2,3 tỷ USD. Riêng trong 11 tháng, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng lượng tài khoản mở mới của 4 năm trước đó cộng lại. Nhà đầu tư trong nước chính là nhân tố quyết định xác lập các kỷ lục lịch sử của thị trường chứng khoán trong năm.

10. Khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Ngày 6/11, Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố Hà Nội chính thức ký bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông để đưa vào vận hành khai thác. Là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và của cả nước, phương thức vận tải khách công cộng khối lượng lớn này hứa hẹn sẽ góp phần giảm tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội. Tuyến đường có tổng chiều dài 13,05 km, toàn bộ đi trên cao với 12 ga (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa) và 13 đoàn tàu. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc với tổng mức vốn đầu tư là 18.000 tỷ đồng, tăng thêm 57% so với dự toán ban đầu. Dự án đã trải qua 10 năm thi công với nhiều lần lỡ hẹn hoàn thành.

Theo TTXVN/Báo Tin tức