Nghiện thuốc lá và nghiện hành vi khi hút thuốc lá quyết tâm bỏ, có được không ?

Nghiện thuốc lá được hiểu một cách đơn giản là việc mất hoàn toàn tự do nói không với thuốc lá. Người nghiện thuốc lá không thể “quên” hút thuốc lá, ngược lại bị bắt buộc phải hút nếu không sẽ bị cảm giác “đói” thuốc, do vậy, buộc người nghiện phải hút liên tục nhiều tháng, nhiều năm và hậu quả là nghiện chất nicotine.

Nghiện thuốc lá là một vấn đề sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam, với 56,1% nam giới hút thuốc lá. Nghiện thực thể, tâm lý và hành vi là 3 nhân tố cấu thành nên nghiện thuốc lá. Triệu chứng lâm sàng của nghiệm thuốc lá bao gồm muốn hút thuốc lá mãnh liệt không thể cưỡng lại được; hội chứng dung nạp thuốc lá và hội chứng cai thuốc lá. Các trắc nghiệm lâm sàng giúp chẩn đoán nghiện thuốc lá bao gồm trắc nghiệm Fagerstrom, HAD, Q-Mat. Xét nghiệm giúp chẩn đoán mức độ nghiện thuốc lá là do nồng độ CO trong hơi thở ra. Các biện pháp điều trị cai nghiện thuốc lá hiện nay như tư vấn điều trị nhận thức hành vi kết hợp với điều trị bằng thuốc nicotine thay thế, bupropion và varenicline.

Nghiện tâm lý là khi người nghiện hút thuốc lá để tìm kiếm các hiệu ứng tâm thần kinh khi hút thuốc lá ví dụ: sảng khoái, hưng phấn, tăng khả năng tập trung chú ý. Đặc điểm nghiện thuốc lá tâm lý trên mỗi người là khác nhau bởi vì nghiện tâm lý tùy thuộc vào hoàn cảnh, không gian, thời gian, và nhu cầu hiệu ứng tâm thần kinh tương ứng với hoàn cảnh cụ thể ấy. Ví dụ: người nghiện thuốc lá tâm lý sẽ hút thuốc lá khi uống cà phê cùng bạn bè để tìm cảm giác sảng khoái, hút thuốc lá khi làm việc để tăng mức độ tập trung, hút thuốc lá trước khi bước vào giải quyết một tình huống căng thẳng, nguy hiểm để giảm căng thẳng …

Nghiện hành vi là khi người nghiện hút thuốc lá như là một phản xạ có điều kiện đã phát sinh trong một hoàn cảnh cụ thể. Họ hút theo phản xạ chứ không phải là do nhu cầu cơ thể thực sự thiếu nicotine. Theo đó, hành vi hút thuốc lá xuất hiện trong các tình huống cụ thể, lặp đi lặp lại, theo đúng thứ tự trong thời gian dài. Ví dụ: sau khi ăn cơm xong; khi uống cà phê vào buổi sáng; hoặc gặp bạn hữu là hút.

Một người hút thuốc lá được gọi là nghiện thực thể - dược lý khi việc hút thuốc lá đã trở thành một nhu cầu cần thiết, không thể thiếu, không thể cưỡng lại được trong cuộc sống. Cơ thể họ cần nicotine để có thể hoạt động bình thường, vì khi thiếu nicotine, sẽ xuất hiện các triệu chứng của hội chứng cai thuốc lá như là: Thèm hút thuốc lá mãnh liệt; cảm giác kích thích, bứt rứt, căng thẳng; không tập trung được; buồn bã, lo lắng; thèm ăn; rối loạn giấc ngủ. Và các triệu chứng này sẽ biến mất ngay khi họ hút thuốc lá trở lại.

Khi nicotine gắn kết thụ thể nicotine trên các tế bào thần kinh tại “trung tâm thưởng” ở hệ viền não bộ, các hóa chất trung gian dẫn truyền thần kinh bao gồm dopamin, serotonine, noradrenaline được phóng thích. Chúng gây ra nhiều tác động tâm thần kinh như là cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng sự chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn. Não bộ nhanh chóng nhận ra rằng có thể dùng thuốc lá để kích thích bài tiết dopamin và như vậy khởi động quá trình hút thuốc lá kéo dài nhiều năm. Hiệu ứng tâm thần kinh của nicotine gây ra nhiều khi mạnh đến nỗi người nghiện thuốc lá không tài nào quyết định ngưng hút thuốc lá được và họ sẵn sàng chấp nhận các tác hại của thuốc lá để đổi lấy các hiệu ứng tâm thần kinh đó.

Để từ bỏ thuốc lá thành công, yếu tố đầu tiên cần phải có và mang tính quyết định đó là sự quyết tâm và niềm tin sẽ bỏ được thuốc lá, nghiện thì dễ nhưng rất rõ ràng việc cai thuốc lá thì lại không dễ dàng chút nào. Cai thuốc lá không đơn giản chỉ là việc từ bỏ một thói quen lâu ngày mà là từ bỏ chất gây nghiện nicotine.

Tuy nhiên, không phải là không từ bỏ được, nếu như hút thuốc đối với những người mới chỉ là thói quen thì việc bỏ thuốc không phải là quá khó, chỉ cần bạn có quyết tâm cao là thành công; nhưng nếu đã nghiện thì cần chuẩn bị nghiêm túc và chu đáo để thực hiện quyết tâm bỏ thuốc, vì khi bắt đầu bỏ thuốc, bạn sẽ gặp phải một số dấu hiệu như: mệt mỏi, căng thẳng, bứt rứt, khó chịu, lo âu, dễ kích động, khó ngủ, mất tập trung, thèm ăn, giảm nhịp tim… nhưng đừng quá lo lắng vì đây chỉ là các biểu hiện do “thiếu thuốc” gây ra, tình trạng này sẽ chỉ xuất hiện trong một hai tuần đầu tiên sau khi bỏ thuốc. Để vượt qua tình trạng này người nghiện nên chuẩn bị sẵn một số thứ để thay thế cho thuốc lá như: Hạt dưa, hạt hướng dương, kẹo cao su… nên uống nhiều nước; hít thở sâu; không ngồi lại bàn ăn quá lâu mà nên đi làm việc khác như đánh răng, đi bộ hoặc nói chuyện với người thân hay nhẩm bài thơ, bài hát mình yêu thích… Trong trường hợp vượt quá sự chịu đựng người nghiện thuốc lá cần đến các trung tâm cai nghiện hoặc bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc cai nghiện giúp bạn vượt qua giai đoạn này và thông báo quyết tâm bỏ thuốc lá cho người thân, bạn bè biết để nhận được sự động viên, khuyến khích và ủng hộ kịp thời.