Xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (TCQGVYT) là một chính sách lớn nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cung ứng dịch vụ y tế tại tuyến xã-tuyến y tế gần dân nhất, giải quyết cơ bản các vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Xác định rõ tầm quan trọng này trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện lộ trình xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã, qua đó, đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Trên cơ sở Quyết định số 4667/2014/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ TCQGVYT xã giai đoạn đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, trong đó ban hành Quyết định số 1026/2014/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng xã đạt TCQGVYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020; Quyết định số 1998/2017/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025. Trên cơ sở đó, từ tỉnh đến cơ sở đã cụ thể hóa quyết định thành các chương trình, kế hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã đạt TCQGVYT, với sự tham gia của lãnh đạo chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể có liên quan để triển khai thực hiện, nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí quy định. Nhiều địa phương đã đưa nội dung củng cố mạng lưới y tế cơ sở, xây dựng xã đạt Bộ TCQGVYT xã vào Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND và chương trình, kế hoạch của UBND các cấp để phối kết hợp chỉ đạo thực hiện, xem đó là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội triển khai các TCQGVYT đối với các xã trên địa bàn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trạm Y tế xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: V.M
Tỉnh cũng đã dành nguồn lực và huy động các nguồn xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp Trạm Y tế xã. Trong giai đoạn 2016-2020, đã đầu tư, sửa chữa, nâng cấp 17 Trạm Y tế với tổng kinh phí hơn 17,9 tỷ đồng; trong năm 2021, đầu tư xây mới và nâng cấp 17 Trạm, với tổng kinh phí hơn 32,85 tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn này đã huy động các nguồn hỗ trợ khác hơn 95,76 tỷ đồng và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ 314.797 USD để đầu tư, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị Trạm Y tế các xã. Nhờ đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các Trạm y tế được trang bị tương đối đầy đủ cả về thiết yếu và các dịch vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công tác khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y học cổ truyền và công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Hoạt động cung ứng thuốc luôn được bảo đảm, danh mục thuốc tại các Trạm đáp ứng từ 70% trở lên; thuốc tại Trạm được quản lý theo các quy định về dược được Bộ Y tế ban hành. Vật tư tiêu hao phục vụ khám, chữa bệnh bảo đảm thường xuyên, kịp thời, có đủ thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo ngành Y tế đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ được chú trọng phát triển cả về số lượng và trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Qua các cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2021 của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 92,3% (60/65) xã đạt TCQGVYT, vượt 2,3% mục tiêu tỉnh đề ra; 83% Trạm y tế có bác sĩ làm việc (mục tiêu 70%); tổng số tại các khu vực có 10 bác sĩ/vạn dân, tổng số trong khu vực thuộc nhà nước là 8,4 bác sĩ/vạn dân. Tất cả các trạm Y tế đều có hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, cán bộ phụ trách công tác dược, chuyên trách công tác dân số và 100% Trạm Y tế xã đều được thực hiện và phát triển công tác khám, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế. Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế tuyến xã, phường được quan tâm triển khai thực hiện định kỳ hằng năm. Trạm Y tế xã với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo chăm sóc khỏe cấp xã trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong công tác tham mưu kiện toàn Ban chăm sóc sửc khỏe ban đầu; đăng ký, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu theo Bộ TCQGVYT hằng năm. Vấn đề truyền thông giáo dục được thực hiện thường xuyên, đã nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng, chống bệnh tật. Mạng lưới nhân viên y tế xã ngày càng được kiện toàn và phát triển; cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn; đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ được chú trọng phát triển cả về số lượng và trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Công tác phòng chống dịch được triển khai thực hiện hiệu quả, tạo niềm tin với người dân mỗi khi đau ốm, góp phần giúp giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên. Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia ở các xã, phường, thị trấn cũng được triển khai kịp thời; chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng… được thực hiện hiệu quả.
Để duy trì trạm Y tế xã đạt chuẩn TCQGVYT, cùng với xây dựng 5 xã còn lại đạt TCQGVYT, Ban Văn hóa-xã hội, HĐND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Y tế, UBND tỉnh trong thời gian đến tiếp tục xem xét, ban hành chế độ phụ cấp thâm niên cho nhân viên y tế cho phù hợp với từng địa phương; quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện và dụng cụ khám, chữa bệnh cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, y bác sỹ để nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân từ tuyến cơ sở. Quan tâm bổ sung biên chế cho các trạm y tế xã để đảm bảo việc duy trì xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế và phấn đấu đạt 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế theo mục tiêu đề án tỉnh đề ra.
Xuân Bính