Nghiên cứu trên do hai cơ quan của Israel là Viện nghiên cứu KI và KSM - trung tâm nghiên cứu và đổi mới thuộc tổ chức Maccabi Healthcare Services- phối hợp thực hiện.
Dựa trên cơ sở dữ liệu máy tính của MHS, nghiên cứu đã đánh giá mối tương quan giữa thời gian tiêm vaccine và tỷ lệ mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ liều, từ ngày 1/6 đến ngày 27/7. Các nhà khoa học đã theo dõi hồ sơ sức khỏe của 1.352.444 thành viên của MHS trên 16 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine của hãng Pfizer trong vòng 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai.
Theo đó, các nhà khoa học đã ghi nhận 1.911 ca mắc COVID-19, trong số này có 1.151 người đã tiêm vaccine trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 và 760 người tiêm từ tháng 3 đến tháng 4. Nghiên cứu cũng phát hiện nguy cơ mắc COVID-19 ở những người tiêm vaccine ở giai đoạn đầu tiên cao hơn 51% so với nhóm còn lại.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Ảnh: THX/TTXVN
Ngoài ra, những người tiêm vaccine vào tháng 1 có nguy cơ mắc COVID-19 gấp 2,26 lần so với nhóm tiêm vào tháng 4. Các nhà khoa học nhấn mạnh những kết quả này tương ứng với những công bố mới đây về sự sụt giảm của kháng thể và các hợp chất hệ miễn dịch trong một khoảng thời gian sau mũi vaccine thứ hai.
Trong khi đó, giới chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo chính phủ nước này có thể bỏ lỡ bước tiến lớn trong việc đối phó với COVID-19, đặc biệt là trong việc tuyên truyền về tiêm mũi tăng cường.
Tờ Deseret News dẫn lời ông Scott Gottlieb, cựu Giám đốc Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ, cho biết thông tin gây hoang mang về mũi tiêm tăng cường có thể khiến các nhà chức trách Mỹ bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn. Trong chương trình "Face the Nation" của kênh CBS, ông Gottlieb nói rõ đã có bằng chứng rõ ràng về việc mức độ hiệu quả của vaccine giảm trong một khoảng thời gian và điều này là hiển nhiên.
Ông Rich Lakin, Giám đốc về tiêm chủng tại Cơ quan y tế bang Utah, cũng khẳng định có thông tin gây hiểu lầm về các mũi tiêm tăng cường, do vậy người dân cần tìm hiểu rõ việc này để đảm bảo rằng mình đủ điều kiện tiêm mũi tiêm này.
Theo TTXVN/Báo Tin tức