Mặt khác, công tác quản trị trường học một số nơi còn yếu kém, thiếu chuyên nghiệp; công tác quản lý nhà nước về giáo dục các cấp chưa chặt chẽ, nhất là khâu kiểm tra, thanh tra chuyên ngành chưa thường xuyên để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý giáo dục tại cơ sở, từ đó một số hoạt động của nhà trường chưa đảm bảo sự hài lòng của người dân. Cụ thể như việc cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công trong giáo dục còn nhiều hạn chế như: Nhà trường chưa công khai việc thu, chi tiền xây dựng trường; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa được quan tâm; sĩ số học sinh trên lớp vượt quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng; công trình nước sạch và nước uống hợp vệ sinh cho học sinh còn thiếu không đảm bảo... Theo kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh năm 2020, thì mức độ hài lòng đối với Sở GD&ĐT (SIPAS đối với các sở, ngành, địa phương) chỉ đạt 86,60% (thấp hơn mức trung bình toàn tỉnh 88,17%), xếp hạng 22/40 đơn vị, địa phương.
Để khắc phục các tồn tại và yếu kém nêu trên, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT đề ra các giải pháp tích cực nhằm quyết tâm đẩy mạnh cải cách hướng tới sự hài lòng của người dân. Trước tiên về nâng cao năng lực quản trị: Xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển ngành giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung các lĩnh vực trọng yếu như đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đảm bảo về trình độ chuyên môn, năng lực và phẩm chất để bố trí vào các vị trí quản lý nhằm đáp ứng mục tiêu đề ra. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học theo hướng đạt chuẩn quốc gia, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị trường học, hướng đến sự minh bạch và công khai mọi hoạt động của nhà trường.
Về công tác thanh tra, kiểm tra: Tập chung chỉ đạo thực nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra công vụ nhằm chấn chỉnh công tác quản trị trường học đối với các cơ sở giáo dục. Chấn chỉnh việc lạm thu trong các cơ sở giáo dục; xử lý người đứng đầu trong cơ sở giáo dục công lập trong việc không công khai, minh bạch và dân chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao như: Công khai về chất lượng giáo dục, thu, chi tài chính (trong và ngoài ngân sách nhà nước), công khai về biên chế, công khai về quản lý và khai thác sử dụng tài sản công...
Về cải cách hành chính: Ngành tập trung thực hiện theo mô hình Chính phủ điện tử từ cấp cơ sở đến cơ quan quản lý giáo dục các cấp, nhằm hướng mục tiêu cung cấp dịch vụ giáo dục theo mô hình Chính phủ điện tử, hướng đến sự tiện lợi cho người dân, nhằm giảm chi phí, thời gian và đi lại của Nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời công khai minh bạch các khoản thu trong nhà trường thông qua website của đơn vị và nền tảng công nghệ khác, trong đó có điện thoại di động. Xây dựng nền tảng ứng dụng “Trường học thông minh - Trường học không tiền mặt”...
Song song đó, triển khai, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành điện tử, hạn chế việc sử dụng giấy tờ, ứng dụng phát triển giao dịch điện tử, xác thực điện tử, văn phòng điện tử; triển khai hệ thống chữ ký số. Kết nối với Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, nhằm triển khai hạng mục “Phần mềm một cửa điện tử - ISO điện tử” và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với 74 thủ tục được công bố tại Cổng thông tin điện tử dịch vụ công của tỉnh. Sở GD&ĐT tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ hơn nữa với UBND các huyện, thành phố trong công tác quản lý giáo dục theo phân cấp được Luật Giáo dục 2019 quy định, nhằm tăng cường tính trách nhiệm trong quản lý giáo dục và hướng đến phục vụ sự hài lòng của người dân.
Với phương châm của ngành GD&ĐT là cung cấp dịch vụ giáo dục không vì mục tiêu lợi nhuận, đảm bảo công khai, minh bạch vì sự tiện lợi của Nhân dân và doanh nghiệp hướng đến cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà bền vững.
Thế Quang