Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng chiến lược tổng thể ngành giáo dục trước dịch bệnh COVID-19

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chiều 11/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành giáo dục trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Dịch bệnh COVID-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội mà còn ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học, làm chậm tiến độ đổi mới chương trình giáo dục đào tạo mà Trung ương Đảng đã đề ra.

Trong phiên chất vấn các vấn đề về giáo dục đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhận được nhiều câu hỏi của các địa biểu Quốc hội; trong đó có 28 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 10 ý kiến tranh luận, 20 đại biểu đăng ký nhưng chưa được chất vấn, 1 đại biểu đã chất vấn nhưng chưa được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời vì đã hết thời gian.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giữ chức tư lệnh ngành giáo dục đào tạo chưa lâu, nhưng trước Quốc hội, Bộ trưởng rất tự tin, nắm rõ cơ bản vấn đề của ngành, trả lời kỹ lưỡng những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm. Tuy số lượng câu hỏi được trả lời còn khiêm tốn, nhưng chất lượng trả lời của Bộ trưởng rất tốt.

Phiên chất vấn đã đề cập nhiều vấn đề "nóng" của giáo dục, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, như việc dạy và học, vấn đề tiếp tục đổi mới căn bản chương trình dạy và học trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh.

Câu hỏi của các đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến các vấn đề như dạy người, kỹ năng sống, nhân cách làm người, phát huy duy trì đạo đức xã hội hiện nay; công tác dạy và học trực tuyến hiệu quả đến đâu, công bằng trong giáo dục giữa các vùng miền, giảm tải chương trình học cho học sinh, giải pháp thu hẹp khoảng cách trong giáo dục giữa vùng thành thị với nông thôn, giữa vùng miền núi dân tộc…

Các đại biểu cũng đề cập tới công tác bảo đảm phòng chống dịch trong trường học để sớm đưa học sinh quay lại trường lớp, kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển quốc gia…

Tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn có sự tham gia trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, giải trình thêm các vấn đề như: Việc rà soát lại quy mô, mạng lưới trường lớp để giảm số trường, tăng trường liên cấp, trường liên xã, tăng trường bán trú... để giải quyết vấn đề biên chế và trường lớp; những vấn đề cần tập trung đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa giáo dục đào tạo, vấn đề này nhiều tỉnh thành đã thực hiện rất thành công; việc rà soát các quy định liên quan, xem xét lại các văn bản pháp luật để hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa; việc triển khai chủ trương dạy và học bằng hình thức trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trả lời các đại biểu Quốc hội về những khó khăn, vướng mắc trong ngành giáo dục được đặt ra trong phiên chất vấn, có phân tích các cấp học mầm non, tiểu học, THPT…

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng đã đặt vấn đề về những ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 đối với giáo dục đào tạo; vấn đề nâng cao hiệu quả ngành giáo dục, xây dựng chiến lược tổng thể ngành giáo dục trước dịch bệnh COVID-19 có thể kéo dài; xây dựng chương trình sách giáo khoa, giảm tải, nâng cao chất lược, an toàn trường học…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế tế và địa phương nghiên cứu, sớm triển khai việc tiêm chủng vaccine cho học sinh để đưa các em trở lại trường học theo lộ trình.

Đồng thời, sớm có kế hoạch cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2022, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của địa phương trong khâu tổ chức thi và tuyển sinh. Nghiên cứu sửa đổi bổ sung chính sách đối với các bộ ngành, chế độ chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; chương trình mục tiêu quốc gia để sớm thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành thị với nông thôn và vùng miền núi dân tộc. Sắp xếp đổi mới giáo dục, kể cả đào tạo lại đối với những trường hợp là cán bộ quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục gắn với xã hội hóa; tăng cường quản lý giáo dục công lập tránh để xảy ra sai phạm, tự chủ tài chính, tránh sai sót như ngành y tế vừa qua đã mắc phải.

Theo TTXVN/Báo Tin tức