Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra được trình tại kỳ họp cho thấy Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã có sự phối hợp song hành rất trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Chính phủ đã rất chủ động, linh hoạt, khẩn trương, kịp thời ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ năm 2021. Nhiều nghị quyết quan trọng đã được ban hành để thực hiện đảm bảo mục tiêu kép. Công tác ngoại giao, đối ngoại luôn được chú trọng và tăng cường thực hiện, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, nâng cao vị thế của đất nước được Nhân dân đồng tình cao.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương kiến nghị: Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát đã tạo ra sự chuyển dịch lao động lớn, làm thiếu hụt lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh ở địa bàn đi, nhưng xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần điều tra, khảo sát, nắm bắt đúng nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu của người lao động và cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, những hỗ trợ cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội, để lao động tái thiết cuộc sống an tâm về vấn đề sức khỏe, về nhà ở và môi trường, việc làm, từ đó kích thích người lao động quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, về lâu dài cần phải nghiên cứu, bố trí lại lao động trong nền kinh tế, kéo giãn các động lực kinh tế về các khu vực lân cận, vấn đề này được nhiều đại biểu đã phân tích rất sâu, kỹ. Rất mong Chính phủ sớm có giải pháp khả thi, thiết thực. Tiếp theo, cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển. Trước hết cần phải rà soát, tháo gỡ, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, nhất là những địa phương có khó khăn về nguồn lực đầu tư, nhưng có tiềm năng, lợi thế dư địa đặc thù. Để phát triển thì rất cần Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm ưu tiên, có cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực phát triển. Đơn cử như Ninh Thuận, một tỉnh có xuất phát điểm còn thấp, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, “nắng thì như rang, gió thì như phan”, nhưng đó là lợi thế của tỉnh về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, rất dồi dào về điện mặt trời, mạnh về nắng và gió. Đặc biệt có Cảng tổng hợp Cà Ná có khả năng đón tàu có tải trọng trên 300.000 tấn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng. Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được nhà đầu tư lớn chiến lược. Đồng thời nhờ có Nghị quyết số 31 của Quốc hội khóa XIV về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận và Quốc hội cũng đã giao cho Chính phủ chú trọng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo nhằm hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Ninh Thuận phát triển.
Trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống của Nhân dân giai đoạn 2018-2023. Theo đó, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, nghiên cứu phát triển tổ hợp điện khí thiên nhiên hóa lỏng LNG Cà Ná. Nhờ đó trong 2 năm qua tỉnh Ninh Thuận đã vươn lên thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao của cả nước và có thể nói đây là một bước tiến vượt bậc. Điều đó cũng nói lên rằng các tỉnh còn khó khăn nhưng có tiềm năng, lợi thế thì rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội, của Chính phủ để tạo động lực, tạo thời cơ vươn lên phát triển. Do đó, rất mong Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành các quyết sách để thực hiện đảm bảo theo Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Ngoài ra, cần thực hiện đảm bảo giải pháp được quy định tại Nghị quyết 55, đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện thị trường điện cạnh tranh. Có cơ chế hợp đồng mua, bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ. Cơ chế đấu thầu đấu giá và đặc biệt là trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Minh bạch giá mua bán điện và có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước để đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Báo cáo với Chính phủ, nội dung này được quy định rất cụ thể tại Nghị quyết 55 của Quốc hội, của Bộ Chính trị, rất mong thời gian tới Chính phủ sớm cụ thể hóa để thực hiện đảm bảo giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 55 như đã nêu.
Quốc Tuấn