Ngày làm việc thứ 8, kỳ họp thứ 2: Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 27-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế. Tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh; các ĐBQH: Chamaléa Thị Thủy, Nguyễn Văn Thuận.

Buổi sáng, phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, tán thành với sự cần thiết Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hải phòng và các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thanh hóa, Nghệ An theo Tờ trình của Chính phủ; nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến.

Về mức dư nợ vay, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, để đảm bảo tính thuyết phục, tính minh bạch trong pháp luật thì cần bổ sung quy định về nguyên tắc vay, cơ chế chịu trách nhiệm của Thành phố và các tỉnh cam kết đảm bảo trả được nợ vay và hiệu quả vốn vay; phải có sản phẩm được đầu tư bằng vốn vay, sản phẩm đó phải thật sự mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội.

Về quản lý đất đai, Dự thảo nghị quyết quy định, đối với tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An: “Hội đồng nhân dân tỉnh được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 hecta; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 hecta và Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000 hecta”. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đề nghị cần làm rõ, số hecta đất được giao thẩm quyền chuyển mục đích nêu trên là số hecta đất trên 1 dự án hay như thế nào? nếu quy định trên 1 dự án thì quá lớn. Đề nghị cần xem xét, nghiên cứu quy định chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, tránh việc hiểu không thống nhất trong áp dụng.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, cần quy định đảm bảo tính thống nhất trong ban hành văn bản qui phạm pháp luật khi triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội; tránh việc chậm trễ, không đảm bảo tính liên tục, tính thống nhất theo tinh thần của Nghị quyết Quốc hội sẽ làm giảm hiệu quả của cơ chế chính sách đặc thù cho các tỉnh, thành phố được thụ hưởng. Đồng thời, để đảm bảo tính hiệu quả đề nghị Quốc hội chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đã được ban hành cho các địa phương; Nghị quyết 115 của chính phủ là Nghị quyết cụ thể hóa Nghị quyết số 31 của Quốc hội như đã nêu trên, chỉ còn khoảng 2 năm nữa là kết thúc Nghị quyết. Nên rất cần sớm được sơ kết, đánh giá để làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong thời gian tới.

* Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc và thảo luận trực tuyến về Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020. Tham gia thảo luận trực tuyến, đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội đối với Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân” năm 2019 và năm 2020 của Chính phủ về những kết quả đạt được và cả những mặt còn tồn tại. Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy thì việc đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở (tuyến xã, tuyến huyện) nhất là ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng biên giới chưa đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2020.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận tham gia thảo luận trực tuyến.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng, điều này sẽ dẫn đến các vấn đề là chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu của người có thẻ BHYT ở tuyến xã, tuyến huyện chưa được đảm bảo, chưa đáp ứng được nhu cầu KCB của người dân. Vì vậy, nhu cầu người bệnh muốn được thông tuyến trong việc khám và chữa bệnh ngoại trú vẫn tiếp tục được đặt ra khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri. Và việc hệ thống y tế cơ sở chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức cũng đã cho thấy nhiều bất cập khác trong thực tế, nhất là trong công tác phòng, chống dịch  COVID-19 diễn ra phức tạp như hiện nay. Đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần phải quan tâm và sớm có biện pháp giải quyết hiệu quả vấn đề này.

Về việc chậm sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng dẫn, giải quyết các bất cập trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT. Đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị Chính phủ cần tổ chức Hội nghị chuyên đề để đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và Quốc hội cần ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề về nội dung này, để giám sát kết quả thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương, nhằm kịp thời có những chính sách điều chỉnh, đảm bảo thực hiện tốt hơn chính sách chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của cử tri cả nước.